Hậu quả thảm khốc nếu thế giới tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Chuyên gia về khí hậu cho rằng biến đổi khí hậu sẽ vượt qua "ngưỡng không thể quay lại," nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hun nóng hành tinh.
Hậu quả thảm khốc nếu thế giới tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch ảnh 1Khí thải từ nhà máy điện than ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường của Đại học Pennsylvania (Mỹ), Michael E. Mann, những hiện tượng cực đoan không đồng nghĩa với việc biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde, nhà khoa học khí hậu này cảnh báo: "Nếu không có các biện pháp quyết liệt và hiệu quả, chúng ta có thể rơi vào tình huống không thể kiểm soát các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và cuộc sống của con người."

Hành tinh chúng ta đang gánh chịu một loạt thảm họa khí hậu. Nhiều khu vực trên thế giới đang gặp phải các hiện tượng thời tiết cực đoan: nhiệt độ vượt quá 50°C ở Mỹ và Trung Quốc, khoảng 45 °C tại Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp, cùng với những trận lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại Hàn Quốc, những vụ cháy rừng hoành hành ở Canada và kỷ lục nhiệt độ chưa từng thấy của Bắc Đại Tây Dương. Tháng Bảy vừa qua có thể sẽ là tháng nóng nhất từ trước đến nay, sau tháng Sáu.

["Vòng luẩn quẩn" giữa nhiệt độ cao và nhiên liệu hóa thạch]

Nhà khí hậu học và địa vật lý người Mỹ, Michael E. Mann, cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan và các kỷ lục nhiệt độ đang khiến cho khung tham chiếu liên tục thay đổi.

Các tác động sẽ tiếp tục tồi tệ hơn và diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nếu con người vẫn tiếp tục sử dụng các nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ và khí đốt) và phát thải khí nhà kính.

Không chỉ sẽ có các kỷ lục nhiệt độ mới được thiết lập, mà thực tế là những kỷ lục này sẽ bị phá vỡ mạnh mẽ hơn trong tương lai do tác động của khủng hoảng khí hậu.

Cũng theo Giáo sư Michael E. Mann, hiện tại khí hâu chưa rơi vào giai đoạn mất kiểm soát, nhưng nó đang ngày càng xấu đi và tình hình đã rất nghiêm trọng.

Mặc dù chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn mà các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tăng đến mức không thể kiểm soát, và cũng chưa có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đã vượt qua "ngưỡng không thể quay lại," nhưng điều này có thể xảy ra nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hun nóng hành tinh. Do đó, chúng ta vẫn còn thời gian để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất xảy ra nếu hành động ngay từ bây giờ.

Các tác động hiện tại của cuộc khủng hoảng khí hậu và bản thân sự nóng lên (+1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp) là phù hợp với các dự đoán của mô hình khí hậu trong nhiều thập kỷ.

Nhưng nhiều tác động của sự nóng lên đang xảy ra sớm hơn và với quy mô lớn hơn so với những gì mà các mô hình đã dự đoán.

Ví dụ điển hình nhất về điều này là các sự kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa Hè, như những sự kiện mà chúng ta đang chứng kiến trong mùa Hè này tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, bao gồm các đợt nắng nóng, hỏa hoạn và lũ lụt.

Ngoài ra, các tác động khác của sự nóng lên có thể kể đến việc tan chảy các mỏm băng, giảm diện tích băng bao quanh Bắc Cực và mực nước biển dâng lên.

Cho đến nay, sự nóng lên của Trái Đất vẫn diễn ra với tốc độ không đổi. Tổ chức Khí tượng Thế giới đánh giá rằng nhân loại đang bước vào "vùng chưa từng được biết đến" trong biến đổi khí hậu.

Theo Giáo sư Michael E. Mann, trong lịch sử của Trái Đất, đã có những ví dụ về các hiện tượng cực đoan lớn hơn nhiều. Nhưng nếu xem xét trong khung thời gian của nền văn minh nhân loại, thì chắc chắn chúng ta đang bước vào một vùng chưa từng được biết đến, có nghĩa là chúng ta đang trải qua các hiện tượng cực đoan và biến đổi khí hậu chưa từng thấy trong quá khứ của nền văn minh nhân loại.

Tháng Bảy vừa qua có thể là tháng nóng nhất từ trước đến nay trong hơn một trăm nghìn năm.

Hậu quả thảm khốc nếu thế giới tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch ảnh 2Người dân uống nước giải nhiệt tại Miami, Florida, Mỹ, ngày 26/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu chúng ta ngừng phát thải ngay lập tức, sự nóng lên của bề mặt Trái Đất sẽ dừng lại rất nhanh, đặc biệt là sau khi phát thải khí thải giảm xuống bằng 0.

Ngày càng có nhiều ý kiến đồng thuận đối với nhận định này và các tác động liên quan đến sự nóng lên của bề mặt - ví dụ như các hiện tượng thời tiết cực đoan vào mùa Hè - sẽ giảm bớt khi điều này xảy ra.

Tuy nhiên, một số tác động khác như sự ấm lên của đại dương, sự sụp đổ và mất ổn định của các mỏm băng, mực nước biển tăng và axit hóa đại dương có thể sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều thế kỷ.

Chúng ta sẽ phải cố gắng thích nghi với những thay đổi không thể tránh khỏi. Nhưng phần lớn các tác động đó sẽ đi đến chấm dứt nếu chúng ta ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt.

Điều quan trọng bây giờ là tốc độ giảm phát thải. Đó là lý do vì sao Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đề cập đến việc giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và đạt mức 0% vào giữa thế kỷ này, để có thể tránh được sự nóng lên quá 1,5°C. Nếu so sánh tình hình biến đổi khí hậu như một cánh đồng mìn thì nhiệt độ càng tăng lên, nguy hiểm càng cao.

Do đó, việc đạt được giới hạn nhiệt độ tăng không quá 1,5°C là một mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và "vách đá" này hoàn toàn có thể vượt qua nếu có sự quyết tâm hành động của toàn thế giới.

Theo Giáo sư Michael E. Mann, hành động trước mắt là cần phải ủng hộ quá trình đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc và Hội nghị Thế giới Tương lai (COP28) sẽ diễn ra vào tháng 12 tại Dubai (UAE), vì đây là khuôn khổ đa phương duy nhất để phối hợp hành động toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục