Không chỉ là nhạc. Mà là họa. Là thi ca. Là sắp đặt. Là ý niệm, ý niệm về sinh tử, về sự vĩnh cửu, về ký ức, và cuộc đời cũ nhưng không bị biến mất đi mà được lưu giữ vào bông hoa Bỉ Ngạn có trong truyền thuyết… Đó là thuyết “Hồi Sinh” của Hà Linh, cũng là tinh thần của concept cùng tên được cô giới thiệu chiều nay, đúng ngày nói dối (1/4) tại Hà Nội.
Và lần “hồi sinh” của cô ca sĩ được ví là “ngựa chiến” đội Hồng Nhung hậu The Voice cũng có phần đặc biệt và thú vị hơn khi kết hợp với người họa sĩ nổi tiếng với trường phái tranh trừu tượng tối giản Lê Thiết Cương.
Nói về "đối tác" khá đặc biệt này, Hà Linh ví von về nguyên cớ “cậy nhờ” Lê Thiết Cương vì sự tối giản trong tranh anh sẽ làm dịu đi sự “hoa hòe, hoa sói” của cô. Còn người họa sĩ, bên bức họa “Hồi sinh” chỉ ngắn gọn: “chắc chắn sẽ có nhiều người thắc mắc sao tôi vẽ sự Hồi sinh lại là đèn dầu, cái bát, đôi đũa nằm ngang mà không phải chồi xanh, gốc mạ. Đó chính là sự hồi sinh trong tâm thức của mỗi người. Ai cũng có một ý niệm cho riêng mình.”
Trong không gian thiền, của Xẩm, có họa, có nước, có khói, có mưa hoa Bỉ Ngạn đỏ diễm lệ, một loài hoa trong truyền thuyết lưu giữ ký ức của con người ở địa ngục để đầu thai kiếp khác, Hà Linh cất tiếng hát trong veo giới thiệu 8 ca khúc gói gọn trong album đầu tay.
Album “Hồi Sinh” của Hà Linh có êkíp gọn nhẹ gồm ba người phối khí là Dương Khắc Linh, Mohan Mahesan và chính cô.
Đóng góp bốn bản phối các ca khúc “Giữ,” “Đêm nằm nghe phố,” “Bóng mây đời tôi,” và “Người ở đừng về” Hà Linh nói về “duyên trời định” với chàng nhạc sĩ nổi tiếng dịu dàng, thuần khiết gốc Việt đang ngồi “ghế nóng” chương trình “Nhân tố bí ẩn”: “Nếu không phải Dương Khắc Linh có lẽ album của tôi sẽ dời lại đến khoảng 2017, hoặc 2020 cũng không biết được.”
Được biết đến từ cuộc thi Sao Mai và Sao Mai Điểm Hẹn 2007 và biến mất thời gian nài. Mới đây tham gia Giọng hát Việt mùa thứ hai, Hà Linh muốn khẳng định sự chin chắn, không còn khoảng hụt hẫng, chênh vênh trong âm nhạc.
Vì vậy, bên cạnh những ca khúc mới như “Giữ” của Dương Khắc Linh do chính Hà Linh viết lời; bài “Ai oán” mà theo cô được bắt nguồn từ bài thơ cô viết tặng một người già đẹp trai thì ở “Hồi sinh” Hà Linh còn giới thiệu lại nhưng ca khúc đã để lại dấu ấn như “Bài hát ru cho anh,” “Sao chẳng về với anh,” “Người ở đừng về.”
Được giới chuyên môn đánh giá cao về giọng hát và thẩm mỹ, cô ca sĩ không đong đếm với âm nhạc chia sẻ về sự “chơi ngông” khi giới thiệu concept “Hồi sinh” theo cách là nhạc nhưng không chỉ là nhạc mà như cô nói là “theo cách nó bắt buộc phải vậy, không có một con đường khác.”
Cũng có thể là vậy, “Hồi sinh” thể hiện một Hà Linh từ tâm hồn, thể xác, cả sự mịn màng lẫn lem nhem đáng yêu của Hà Linh ở một ngưỡng dấn thân mới./.