“Hãy đến với anh”: Nửa thế kỷ hát của nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ

Hơn cả những danh hiệu, nửa thế kỷ qua, tiếng hát của nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ được coi là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc chính thống, là cội rễ của thính phòng cổ điển Việt Nam.
Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ. (Ảnh: VietArt)

Hào sảng và lãng mạn - “Hãy đến với anh” là đêm nhạc 50 năm chặng đường ca hát của nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ.

Là một trong những giọng ca lớn của dòng nhạc chính thống và âm nhạc Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ đã có sự nghiệp âm nhạc trải dài suốt nửa thế kỷ. Bằng nỗ lực và nội lực cá nhân, cùng năng khiếu và lòng say mê âm nhạc, nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ là một trong số hiếm thuộc lớp ca sỹ đầu đàn trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng.

Trong suốt 50 năm cống hiến cho âm nhạc, tiếng hát Quang Thọ từ hầm lò ra đến chiến trường, giảng đường và vang xa trên sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài nước, gặt hái vô số giải thưởng lớn.

Sau nửa thế kỷ hát, nghệ sỹ Quang Thọ vẫn nhớ những ngày đầu từ “người thợ mỏ” ở mỏ than Cọc 6 Quảng Ninh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ trong hầm lò hay trên công trường ông đều cất cao tiếng hát. Rồi những năm bom đạn ác liệt ở chiến trường, tiếng hát Quang Thọ góp phần trở thành nguồn cổ vũ tinh thần “át tiếng bom” cho anh em chiến sỹ.

Gian nan, vất vả nhưng chính quá khứ hào hùng của máu và hoa ấy đã chắp cánh cho tiếng hát của Quang Thọ bay cao, gặt hái nhiều thành tựu trong sự ngiệp mà bất cứ người nghệ sỹ chân chính nào cũng mơ ước, ngưỡng mộ.

Ở tuổi 70, tiếng hát của nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ vẫn sung sức và hào sảng. (Ảnh: VietArt)

Sở hữu giọng baritone hào sảng, dày, ấm đầy nội lực, trong suốt nửa thế kỷ hát, nghệ sỹ nhân dân Quang thọ đã ghi dấu ấn đậm nét qua các trường ca thách thức mọi tiếng hát ở mọi thời như “Sông Lô” (Văn Cao); “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương); “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (Chu Minh); “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân); “Tôi là người thợ mỏ,” “Tình ca người thợ mỏ” (Hoàng Vân)…

Giọng hát dày, ấm cùng chất trữ tình thấm đẫm tinh thần lãng mạn của đời sống “người thợ mỏ” khiến Quang Thọ còn chinh phục cả những ca khúc có giai điệu bay bổng như “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn), “Biệt ly” (Dzoãn Mẫn), “Tình ca” (Hoàng Việt), “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp), “Tâm tình người thuỷ thủ” (Hoàng Vân)…

Di sản mà cống hiến cho âm nhạc Việt Nam không chỉ là giọng ca lừng lẫy đi cùng năm tháng mà còn là sự nghiệp “trồng người” đáng tự hào khi đào tạo ra một thế hệ nghệ sỹ vàng tài năng.

Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ và bà Đoàn Thúy Phương - Tổng đạo diễn chương trình. (Ảnh: VietArt)

Trên cương vị một người thầy, lòng tận tâm và sự khác biệt trong phương pháp đào tạo luôn khích lệ thế mạnh cá nhân của từng học trò, Quang Thọ đã truyền thụ những kinh nghiệm, kỹ thuật và niềm say mê cống hiến âm nhạc cho học trò. Để ngày hôm nay, âm nhạc chính thống và đương đại có một lớp “ngôi sao” trưởng thành từ sự dìu dắt của ông.

Được cầm trịch bởi giám đốc âm nhạc Lưu Hà An, “Hãy đến với anh” sẽ khắc họa một cách trọn vẹn chân dung người nghệ sỹ nhân dân - nhà giáo Quang Thọ bằng âm nhạc.

Nhạc sỹ Lưu Hà An cho biết, đêm nhạc chính là cỗ máy thời gian tái hiện lại nửa thế kỷ âm nhạc của một người nghệ sỹ chân chính như Quang Thọ, cống hiến cả thanh xuân, cuộc đời và sự ưu tú cho âm nhạc. Công chúng yêu nhạc và tiếng hát Quang Thọ suốt nửa thế kỷ qua sẽ được “ôn” lại quá khứ của “người thợ mỏ” Quang Thọ qua “gia tài” bản “hit” và sống trọn hiện tại và cả tương lai với tiếng hát không tuổi của “người nghệ sỹ nhân dân” Quang Thọ cùng các học trò.

Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ và học trò 'quái' Tùng Dương. (Ảnh: VietArt)

Đêm nhạc còn là cuộc đối thoại hai thế hệ vàng của thanh nhạc Việt Nam mà còn là cuộc “gặp gỡ” Thầy - Trò đầy ấm cúng và xúc động trong dịp 20/1 khi quy tụ “dàn sao” nghệ sỹ tên tuổi vốn là những học trò được nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ dìu dắt như “bộ ba giọng tenor” hàng đầu hiện nay là Đăng Dương- Trọng Tấn-Tùng Dương; giọng hát họa mi Khánh Linh, Lan Anh, Tân Nhàn.

Nửa thế kỷ hát và giảng dạy, từ người thợ mỏ đến nghệ sỹ nhân dân hẳn nhiên không phải không có những gập ghềnh nhưng Quang Thọ đã đi trên một con đường âm nhạc đẹp. Hơn cả những danh hiệu, nửa thế kỷ qua, tiếng hát của ông được coi là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc chính thống, là cội rễ của thính phòng cổ điển Việt Nam.

Live show “50 năm nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ - Hãy đến với anh" vào 20 giờ ngày 11/11 Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ cùng dàn 'sao' học trò góp mặt trong đêm nhạc và đại diện nhà tổ chức. (Ảnh: VietArt)

Quang Thọ sinh tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Đến năm 1952 cùng gia đình chuyển đến sinh sống ở thành phố Cẩm Phả. Sau khi rời ghế nhà trường, Quang Thọ đã trở thành công nhân thợ điện Mỏ than cọc Sáu, tham gia hoạt động tích cực trong phong trào văn nghệ của công nhân vùng mỏ Cẩm Phả và tỉnh Quảng Ninh. Đầu năm 1971, ông có mặt trong đoàn văn nghệ xung kích của vùng mỏ đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sỹ đang chiến đấu ở Chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia.

Năm 1972, Quang Thọ được cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp ông đã trở thành nghệ sỹ đơn ca của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Với kinh nghiệm từ thực tiễn và năng khiếu thanh nhạc, năm 1987 ông đã trỏ thành giảng viên Khoa thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội. Ông trở thành chủ nhiệm Khoa thanh nhạc-Nhạc viện Hà Nội từ năm 2000 đến năm 2008 thì nghỉ hưu.

Với các huy chương vàng trong các hội diễn toàn quốc nhiều năm, 3 giải thưởng lớn trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế (giải Nhất Tiếng hát sinh viên thế giới tại Đức, giải thưởng Liên hoan ca nhạc tại Mông Cổ) Quang Thọ đã vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú năm 1993 và Nghệ sỹ nhân dân năm 2001.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục