HDBank: Dư nợ bất động sản và trái phiếu thấp nhất toàn ngành

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của HDBank lần đầu vượt 10.268 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm. Nợ xấu thấp, các chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo tốt trong nhóm dẫn đầu.
Giao dịch tại HDBank. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 31/3 Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh công bố báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán bởi PwC.

Theo nội dung của báo cáo, hiện HDBank nắm giữ chỉ có 4.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương 1,6% tổng dư nợ. Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết số trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo và được thanh toán đầy đủ, đúng hạn. HDBank cũng là ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản thấp chỉ ở mức 7,9% tổng dư nợ.

Đối với kết quả kinh doanh, năm 2022 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lần đầu vượt 10.268 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm. Nợ xấu thấp, các chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo tốt trong nhóm dẫn đầu.  

[Ngân hàng mở rộng mạng lưới, tăng sức bật cho kinh tế địa phương]

HDBank cũng ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tín dụng cùng các mảng dịch vụ, thẻ, ngân hàng số cùng tăng trưởng cao, số lượng thẻ tín dụng kích hoạt gấp hơn 4 lần, giá trị giao dịch thẻ tăng gấp gần 3 lần, số lượng giao dịch qua kênh số cao gấp gần hai lần cùng kỳ và giá trị giao dịch đạt trên 761 nghìn tỷ đồng, gấp gần 6 lần.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2021, hoàn thành 105% kế hoạch lợi nhuận được cổ đông giao. Chỉ số ROE năm 2022 đạt 23,5%, ROA đạt 2,1% đều cao hơn cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của HDBank năm 2022 cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,3%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 1,67%, mức thấp so với toàn ngành nhờ chính sách cấp tín dụng có chọn lọc và quản trị rủi ro hiệu quả. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR theo Basel II) lên đến 13,4% và thuộc nhóm những ngân hàng an toàn vốn cao nhất.  

Tổng tài sản hợp nhất đạt 416.273 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2021. Dư nợ cấp tín dụng đạt 268.157 tỷ đồng, tăng 25,6%. Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng và phân phối, tín dụng xanh, hộ gia đình, tiểu thương.

Tính đến ngày 31/12/2022, HDBank có 347 chi nhánh/phòng giao dịch và gần 24.500 điểm giao dịch tài chính. Số lượng cán bộ công nhân viên của ngân hàng mẹ và công ty con là 16.326 người, chưa bao gồm lực lượng bảo vệ gần 2.000 người, với mức thu nhập bình quân đạt 26,7 triệu đồng/tháng, tăng mạnh 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị đã giảm xuống còn 8,4 tỷ đồng từ mức 10,9 tỷ đồng của năm trước. Được biết một số lãnh đạo HDBank tự nguyện giảm thù lao hoặc dành cho các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh sôi nổi, năm 2022 HDBank được vinh danh với 24 danh hiệu và giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Ngân hàng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước, bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh do có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tại lễ công bố bảng xếp hạng tốp 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 và tốp 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2022, HDBank được vinh danh ở cả hai hạng mục và thuộc tốp 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân uy tín. Tạp chí Forbes cũng vinh danh HDBank là thương hiệu tài chính dẫn đầu.

Vượt lên những biến động thị trường, kết quả hoạt động tích cực nêu trên một lần nữa khẳng định năng lực duy trì tăng trưởng cao của HDBank trong năm bản lề thực thi chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025, nâng tầm cả về quy mô và chất lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục