HĐND các tỉnh thông qua nhiều nghị quyết nhằm thực hiện “mục tiêu kép”

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Nam Định đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với chỉ tiêu kinh tế-xã hội cụ thể, đến năm 2025 tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 8,5-9,5%/năm.
Các đại biểu HĐND tỉnh Nam Định biểu quyết thông qua các Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Trong 2 ngày 16-17/7, kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã họp, thống nhất thông 29 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, đây là cơ sở quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân...

Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với chỉ tiêu kinh tế-xã hội cụ thể, đến năm 2025 tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2020) tăng bình quân 8,5-9,5%/năm.

Thu nhập thực tế bình quân đầu người trên 100 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng...

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước, cơ sở giáo dục, khu tái định cư tại thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu; chấp thuận chủ trương điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn các dự án trọng điểm như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định.

Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc chấp thuận danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất và phê duyệt danh mục các công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha; dưới 20ha đất rừng phòng hộ thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trên địa bàn tỉnh Nam Định; Nghị quyết về việc bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn (huyện Trực Ninh)-Yên Định (huyện Hải Hậu), Lạc Quần (huyện Xuân Trường)-Ngô Đồng (huyện Giao Thủy) và điều chỉnh nâng cấp quy hoạch tuyến đường tỉnh 489C, tuyến đường bộ ven biển lên đường cấp II đồng bằng trong Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2030; Nghị quyết về việc quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh...

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh khẳng định các Nghị quyết vừa được kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định khóa XIX thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đây còn cơ sở pháp lý để Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có kế hoạch sớm đưa Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021, nhất là thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế; cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 thành những chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương.

[Chống đứt gãy chuỗi sản xuất: Doanh nghiệp chạy đua '3 tại chỗ']

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm GRDP tăng 7,08% (cả nước tăng 5,64%); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.466 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 42% so với cùng kỳ...

Chiều 17/7, sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc, biểu quyết thông qua 15 Nghị quyết quan trọng.

Trong các Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn thông qua, có một số Nghị quyết quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021; Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết về bổ sung danh mục dự án phải thu hồi đất năm 2021 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai; Nghị quyết Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ 1/2000….

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu nhấn mạnh: Kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVII đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thông qua 15 Nghị quyết theo thẩm quyền với sự đồng thuận của 100% các đại biểu tham dự.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo để xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những biện pháp thiết thực cần tập trung triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021; tích cực tham gia, bổ sung hoàn chỉnh các nội dung báo cáo, tờ trình được trình tại kỳ họp để Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua có tính khả thi cao.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và tiến độ thực hiện trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đề nghị các cấp, các ngành, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục xác định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Thời gian tới, các ban của Hội đồng cần tăng cường giám sát hiệu quả chất lượng và kịp thời hơn nữa việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh đối với Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung tổ chức triển khai quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; thúc đẩy nhanh hơn nữa các dự án xây dựng đường cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị, khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, khu công nghiệp Hữu Lũng Lạng Sơn, đây là những dự án lớn có tính chất kết nối, tác động liên vùng, có hiệu quả và ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững…

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã nghe các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2021 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả hoạt động giám sát năm 2020; Báo cáo tổng hợp kết quả thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021…

Toàn cảnh kỳ họp thứ hai, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ hai, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã bế mạc vào chiều 17/7.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao; kỳ họp thứ hai, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Thanh Hóa đã và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn do đợt dịch thứ tư của đại dịch COVID-19; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 chưa đạt so với kế hoạch, là thách thức rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.

Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; từ đó thống nhất: Không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 đã được quyết nghị tại Nghị quyết 330/NQ-Hội đồng Nhân dân ngày 6/12/2020.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành phải “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, thực hiện tốt phương châm “Đồng tâm, đồng lòng, đồng sức, đồng bộ, đồng mục tiêu”; tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phù hợp với tình hình mới để thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2021.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất thông qua 101 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, 1 nghị quyết về công tác cán bộ.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, song tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Tỉnh đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, không để lây lan ra cộng đồng; góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 8,66%, cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng khá và tăng mạnh so với cùng kỳ như: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,47%, cao nhất từ trước đến nay; sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,93%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 16,3%; thu ngân sách Nhà nước tăng 5%.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục