Ngày 11/6, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX tổ chức kỳ họp thứ tư chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự kỳ họp.
Phát biểu tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy ban Nhân dân Thành phố cần đẩy mạnh đúng mức công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp từng nhóm đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân.
Vấn đề ô nhiễm môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bắt nguồn từ việc xả rác bừa bãi của người dân cũng như quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố cần tập trung các giải pháp ở từng khâu cho phù hợp nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Việc phân loại rác tại nguồn phải được triển khai rộng khắp, đồng bộ trong nhân dân; trong đó các cơ quan, đơn vị, trường học phải thực hiện tiên phong.
[Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân ô nhiễm không khí tại TP.HCM]
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đối với vấn đề quét dọn rác thải, Ủy ban Nhân dân thành phố đang thực hiện phân cấp cho sở, ngành và quận, huyện. Thành phố đang thí điểm phân công cho các quận 1, 3 ,5 thực hiện việc quét dọn cầu, đường ở địa phương trong vòng 1 năm để triển khai toàn diện trong thời gian tới. Thời gian qua, công tác phân loại rác tại nguồn mới chỉ được thực hiện thí điểm ở các địa phương.
Thành phố phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện phân loại 50% lượng rác thải và sẽ có những chính sách khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tỷ lệ chôn lấp rác thải hiện nay trên địa bàn thành phố là 76%, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp cũng như kêu gọi đầu tư công nghệ xử lý hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ chôn lấp rác còn 60% và đến năm 2025 còn 25%.
Đánh giá về vấn đề xử lý rác thải, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Vừa qua, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam (chủ đầu tư bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh) tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu công ty thực hiện 10 giải pháp ngăn không phát tán mùi hôi cũng như nước thải của bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo công ty đến năm 2020 phải chuyển sang sử dụng công nghệ xử lý rác hiện đại và lập trạm quan trắc tự động nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề ô nhiễm từ bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý 5 bãi chôn lấp rác thải trước đây với diện tích 194ha. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang nhờ các đơn vị tư vấn giải pháp thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tận dụng được quỹ đất tại 5 bãi chôn lấp này.
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị - Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất công tác thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay trải qua nhiều công đoạn khiến rác thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy cơ quan chức năng cần rút ngắn các bước thu gom và vận chuyển, bỏ qua một số khâu trung gian ở bãi tập trung, trạm trung chuyển để đảm bảo vệ sinh môi trường. Thành phố đang có kế hoạch xây dựng thêm 26 trạm trung chuyển rác thải, cần tính toán đến vấn đề khoảng cách trạm trung chuyển so với khu dân cư và không gây ô nhiễm môi trường.
Còn theo đại biểu Trương Thị Tuyết Nhung: Hiện vẫn còn tình trạng người dân đổ rác vào miệng cống thoát nước khiến nước mưa không thoát được, gây ngập. Ở một số bến phà, một số người vẫn hút thuốc khi lên phà, điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong khi lực lượng điều hành phà chỉ có thể nhắc nhở chứ không có quyền xử phạt. Vì vậy, cần tăng cường biện pháp xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là đối với người dân nhập cư, lực lượng công nhân, người lao động không cố định.
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu cũng đề xuất cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn nước thải đã qua xử lý để tưới cây, vệ sinh đường phố và vệ sinh máy móc, thiết bị công nghiệp; cần quan tâm vấn đề sử dụng túi nilông khó phân hủy vì đây là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khuyến khích tiểu thương, người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và có cơ chế hỗ trợ những doanh nghiệp đầu tư sản xuất túi nilông thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất chế tài xử lý những hộ dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn, không sử dụng dịch vụ thu gom rác, xử lý những đơn vị thu gom sử dụng các phương tiện thô sơ làm ô nhiễm môi trường và xử phạt nghiêm những hành vi vứt rác bừa bãi nhằm tạo nguồn thu để xử lý những bãi rác tự phát trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày trên địa bàn thành phố thải ra môi trường hơn 8.300 tấn chất thải rắn. Nguồn thải này đang được Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 1.000 đơn vị thu gom rác dân lập thu gom, xử lý ở 2 khu liên hợp xử lý chất thải. Hầu hết khối lượng chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý bằng nhiều hình thức; tuy nhiên tại một số khu vực vẫn còn hiện tượng vứt bỏ chất thải rắn không đúng quy định ở khu vực công cộng, khu đất trống hoặc vứt rác bừa bãi xuống kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, tại thành phố, nguồn nước thải hằng ngày khoảng 1,7 triệu m3 gồm nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Với lưu lượng xả thải quá lớn trong khi việc xử lý chưa đáp ứng yêu cầu thì xả thải sinh hoạt là nguồn ô nhiễm chính cho kênh, rạch trên địa bàn thành phố.
Chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trong tình trạng ô nhiễm, chưa được cải thiện đáng kể so với yêu cầu. Thành phố đang triển khai quan trắc chất lượng nước mặt tại 26 vị trí trên hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai và 15 vị trí đối với các kênh, rạch nội thành, hệ thống quan trắc chất lượng không khí được đặt tại 20 vị trí.
Hiện kết quả quan trắc chất lượng nước mặt và chất lượng môi trường không khí được công bố định kỳ hàng tháng đến người dân thông qua các bảng điện tử đang được sử dụng để thông báo thông tin về giao thông từ tháng 4/2017 và trên trang web của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan./.