Những hình ảnh về bộ lạc bí ẩn cuối cùng của rừng Amazon, những người mà chính phủ Peru đang cố gắng tiếp cận vừa mới được công bố lần đầu tiên.
Theo Daily Mail, 600 năm qua, bộ lạc Mashco Piro hay còn gọi là Cujareno đã sống trong vùng rừng rậm gần biên giới Peru-Brazil và không hề tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên gần đây, hoạt động khai thác gỗ, buôn bán thuốc phiện và du lịch đã khiến bộ tộc bí ẩn này phải rời khỏi rừng sâu, đi đến các ngôi làng lân cận cướp phá để lấy thức ăn, công cụ và vũ khí săn bắn.
Một trong số những cuộc đụng độ này đã dẫn đến cái chết thương tâm của một hướng dẫn viên du lịch người địa phương tên là Shaco Flores. Trong suốt 20 năm, Shaco đã xây dựng được một mối quan hệ tốt với những người bộ tộc Mashco Piro, và thường xuyên cung cấp cho họ dao lưỡi dài, nồi niêu và xoong chảo. Tuy nhiên, khi cố gắng thuyết phục người dân bộ lạc từ bỏ lối sống du cư săn bắt hái lượm, Shaco đã bị giết chết bằng một mũi tên thẳng vào tim.
Những nhóm vận động chiến dịch khẳng định chính phủ Peru đã phản ứng chậm và không hiệu quả với những vấn đề của bộ lạc Mashco Piro, khi môi trường sống rừng rậm của họ đã bị hoạt động khai thác gỗ, buôn thuốc phiện và du lịch xâm phạm.
“Người Mashco Piro muốn tiếp tục được nhận những hàng hóa mà họ đã quen được nhận từ thế giới bên ngoài. Nhưng điều ấy không có nghĩa là họ muốn có liên lạc thường xuyên hay muốn định cư ở một nơi khác, bất chấp những áp lực lớn đang đè nặng lên họ,” bà Patricia Balbuena, phó bộ trưởng bộ Văn hóa Peru cho biết.
Giáo sư Jean-Paul van Belle thuộc đại học Cape Town đã chụp được những hình ảnh về người Mashco Piro khi tới khảo sát rừng Amazon năm 2011. Những bức ảnh này được chụp từ khoảng cách 250 mét bằng ống kính viễn vọng. Ông đã vô cùng sửng sốt khi thấy những người dân của một trong 100 bộ lạc bí ẩn nhất thế giới dần xuất hiện từ bờ bên kia dòng sống Madre de Dios, tay cầm cung và tên.
“Điều đầu tiên hướng dẫn viên làm là đưa chúng tôi tách xa họ hết mức có thể. Họ rất tò mò và đầy hoài nghi. Đó là lý do phải mất rất lâu, cả nhóm người mới ra khỏi chỗ nấp trong rừng. Có vẻ họ có một cách giao tiếp lạ lùng nào đó, vì những người đàn ông chắc hẳn đã ra hiệu rằng không có gì nguy hiểm cho những người khác, nhưng chúng tôi không thấy họ làm bất cứ dấu hiệu nào. Họ cũng có vẻ không sợ chúng tôi. Hai bên cứ ngồi nhìn nhau chằm chằm suốt 2 tiếng đồng hồ.”
Là một bộ lạc du mục, người Mashco Piro thường xuyên đi lại trong rừng rậm. Những nhà khoa học nghiên cứu về bộ tộc đã lần theo những di chuyển của họ và khám phá ra những con đường mà họ hay đi. Họ thường ra bờ sông nhặt trứng rùa vào mùa khô, và vào rừng săn bắn khi mùa mưa đến.
Khách du lịch muốn được tận mắt nhìn thấy những người Mashco Piro thường cố dụ họ ra bằng thức ăn, quần áo, các dụng cụ và thậm chí là cả bia. Nhưng việc tiếp xúc với xã hội hiện đại có thể là một thảm họa với họ, vì hệ miễn dịch của họ chưa bao giờ phát triển để chống lại những bệnh tật của thời hiện đại. Một người bộ lạc mắc cảm cúm hoàn toàn có thể khiến cả bộ lạc lây bệnh và gặp nguy hiểm.
“Mọi tiếp xúc vật lý với người Mashco Piro đều có thể khiến họ gặp nguy hiểm. Đó là lý do chúng tôi vận động chính phủ hãy bảo vệ vùng đất họ sinh sống và bảo đảm họ có quyền lựa chọn có tiếp xúc với người ngoài hay không,” Rebecca Spooner, thành viên tổ chức International Survival cho biết.
Công viên quốc gia Manu là nơi sinh sống của tổ tiên người Mashco Piro hiện đang được chính phủ Peru bảo vệ. Một bộ luật của Peru cũng đã được thông qua nhằm bảo đảm quyền được sống tách biệt của những bộ lạc thiểu số, và bảo vệ vùng đất nơi họ sống khỏi sự xâm nhập của người ngoài. Tuy nhiên, người Mashco Piro vẫn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa của thế kỷ 21.
“Nhiều vùng đất nơi những bộ lạc thiểu số ở Peru sinh sống đã bị những kẻ khai thác gỗ trái phép, đào vàng, các công ty khai thác dầu,... lấn chiếm. Một số bộ lạc đã lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ nói rằng nhà của họ đã bị đốt cháy và gia đình họ đã bị những kẻ buôn thuốc phiện bắn chết. Chính phủ khẳng định không có mối đe dọa này với những người Mashco Piro, nhưng chúng ta không thể biết được những áp lực họ phải chịu khi sống trong công viên quốc gia nếu như không thể nói chuyện với họ,” Spooner cho hay./.