Theo trang mạng orfonline.org, việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã tạo ra một tình huống không mong muốn và không lường trước ở châu Âu. Đức đang nếm trải sự thất bại lớn nhất. Đức và châu Âu biết rằng Nga đang đe dọa Ukraine nhưng hy vọng rằng ma trận hợp tác của họ, dựa vào năng lượng giá rẻ của Nga, sẽ được duy trì.
Chính sách của Đức
Vào ngày 15/12/2021, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz đã lãnh đạo liên minh ba đảng mới ở Đức, khép lại kỷ nguyên của Angela Merkel. Ông Olaf Scholz muốn bắt đầu một quá trình cải cách hiện đại hơn, theo đó sẽ xây dựng nước Đức cho thế hệ tiếp theo, trong đó nguồn cung năng lượng ổn định từ Nga là một phần không thể thiếu.
Liên minh này là bước chuyển mình của nước Đức từ thời Merkel. Nước Đức ổn định và thành công về kinh tế đã theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và nhằm đóng góp nhiều hơn vào sự tin cậy của châu Âu, một chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) và sự thịnh vượng.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã dẫn đến sự đảo ngược nhanh chóng một số chính sách cốt lõi của Đức. Trên thực tế, có một sự thay đổi quan trọng giữa bài phát biểu nhậm chức ngày 15/12/2021 của Thủ tướng Scholz với tuyên bố chính sách của ông trước Hạ viện vào ngày 27/2/2022.
Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố rằng trật tự dựa trên luật lệ mà châu Âu dựa vào đang bị đe dọa, đồng thời thừa nhận rằng hành động của Nga hiện đang phá hủy trật tự an ninh châu Âu - vốn đã tồn tại gần nửa thế kỷ kể từ Đạo luật cuối cùng của Helsinki.
[Xung đột giữa Nga-Ukraine tạo ra bước ngoặt cho nước Đức]
Ông nói về những nỗ lực chung với Pháp nhằm thu hút sự chú ý đến hành động gây hấn của Nga; đáng chú ý, không có đề cập đến Anh hoặc Mỹ trong tuyên bố này. Châu Âu sẽ tiếp tục duy trì khuôn khổ hành động. Các cuộc đàm phán với Nga sẽ không bị từ chối và biện pháp ngoại giao sẽ được đặt lên hàng đầu để giữ cho các kênh liên lạc luôn mở vì hòa bình ở châu Âu là mục tiêu chính của họ.
Mặc dù nói rằng ông Putin đang gây nguy hiểm cho cục diện an ninh này, nhưng ông Scholz cũng nói, "về lâu dài, an ninh ở châu Âu không thể đạt được khi đối đầu với Nga."
Trước sự mâu thuẫn này, ông đã đưa ra 5 điểm hành động. Đầu tiên là mở rộng sự hỗ trợ vững chắc cho Ukraine để duy trì tự do và dân chủ. Điều này bao gồm việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, một sự thay đổi chính sách lớn của Đức.
Thứ hai, tăng cường nỗ lực nhằm chuyển hướng Nga ra khỏi con đường chiến tranh của nước này. Điều này ám chỉ các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm cắt Nga khỏi hệ thống tài chính, khỏi công nghệ mới và nhắm vào các nhà tài phiệt và các khoản đầu tư của họ ở Liên minh châu Âu (EU). Dù năng lượng không được đề cập trong vấn đề này, nhưng Đức vẫn sẽ hứng chịu tổn hại từ sự chuyển dịch của các dịch vụ SWIFT.
Thứ ba, ngăn chặn chiến tranh tràn sang các nước khác ở châu Âu. Điều thú vị là điều này tương tự như những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với các nhà lãnh đạo EU trong hội nghị thượng đỉnh của họ hồi đầu tháng 4.
Thứ tư, ông Scholz đã đề cập việc NATO cùng nhau hợp tác và cách Bundeswehr (Quân đội Đức) hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các đồng minh ở Đông Âu gồm Litva, Romania, Slovakia và các nước Baltic.
Ông cam kết Đức sẽ đóng góp vào các nỗ lực của NATO trên tinh thần đoàn kết, đánh dấu sự thay đổi lớn so với cam kết trước bầu cử của ông và thỏa thuận liên minh.
Thứ năm, cần phải xây dựng kho dự trữ than và khí đốt để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn cung năng lượng của Nga. Nước Đức, cùng với EU, đang tìm kiếm các nguồn thay thế. Hai nhà gas LNG, trước đó đã bị từ chối, sẽ được thiết lập ở Brunsbüttel và Wilhelmshaven. Với trọng tâm là năng lượng tái tạo, các nhà gas LNG này sẽ có thể chuyển đổi để lưu trữ hydro xanh.
Chiến lược an ninh quốc gia
Diễn tiến về một Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) cũng đã được tiết lộ. Nước Đức hiện đang áp dụng nhiều biện pháp để cố thoát ra khỏi các chính sách hiện hành nhanh hơn và ở cường độ cao hơn cả dự đoán của chính phủ liên minh.
Ba khía cạnh có thể được hình dung rõ ràng trong NSS được đề xuất này. Đầu tiên là các năng lực quốc phòng của Đức sẽ được tăng cường, có lẽ phù hợp với tầm vóc kinh tế của nước này. Một quỹ trị giá 100 tỷ Euro (khoảng 110 tỷ USD) để hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của Đức đã được công bố.
Thứ hai là cam kết của Thủ tướng Scholz sẽ chuyển thành luật - chi tiêu quốc phòng của Đức chiếm 2% GDP. NATO trước đó đã kêu gọi điều này, song Đức đã từ chối và không đưa nó vào thỏa thuận liên minh. Tuy nhiên, các sự kiện ở Ukraine đã thúc đẩy Đức đi đến quyết định này. Cả hai điều trên, cùng với việc cung cấp an ninh năng lượng, tạo thành nền tảng của một NSS mới.
Đức từ lâu đã là một xã hội dân sự dù còn mặc cảm của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nước Đức duy trì phòng bị quốc phòng ở mức thấp và tìm kiếm các vấn đề rộng lớn hơn như biến đổi khí hậu và các giá trị của châu Âu. Nước này là nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu, nhưng lại không phải là đối tác quân sự hiệu quả của NATO.
NSS của Đức giờ đây sẽ dựa trên các nỗ lực phòng thủ tập thể với NATO và tăng cường tính bổ trợ giữa chúng. Đức tin rằng sự hiện diện của NATO ở Đông Âu là không đủ, và khối này sẽ phải làm nhiều hơn nữa để bổ sung điều đó. NSS sẽ không chỉ là sự phòng bị quốc phòng, mà còn bao gồm cả các sáng kiến ngoại giao, một kế hoạch phát triển lớn hơn và hỗ trợ liên tục cho chương trình nghị sự về khí hậu. Đây vẫn sẽ là những mục tiêu của Đức nhưng với sự phân bổ cao hơn hiện nay cho chi tiêu quốc phòng. Thách thức này sẽ là làm thế nào để tài trợ cho các mục tiêu khác.
Các quỹ dành cho khí hậu, hợp tác phát triển và cơ sở hạ tầng trong nước, việc làm và dịch vụ y tế có thể bị ảnh hưởng bởi việc tăng phân bổ cho an ninh quốc gia và khả năng giá năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt nếu nguồn cung từ Nga thực sự bị gián đoạn.
Tăng cường phòng thủ
Hiện có một số vấn đề liên quan đến khả năng của Đức trong việc đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Các năng lực của Đức phần lớn bị hạn chế. Ukraine cần có sự cam kết trung thực về vũ khí và hệ thống. Đức đã đồng ý cung cấp một số vũ khí từ kho dự trữ của mình tại các nước NATO khác. Hiện nay, rất khó để cung cấp thêm sự hỗ trợ từ Bundeswehr cho các nhu cầu trước mắt của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố rõ ràng rằng Đức không thể từ bỏ các thiết bị và vật tư của mình để viện trợ cho Ukraine do năng lực phòng thủ của Berlin có nguy cơ bị bào mòn.
Ngân sách quốc phòng của Đức trị giá 100 tỷ euro năm 2022 là lớn hơn nhiều so với ngân sách quốc phòng năm 2021 là 47 tỷ euro. Việc tăng ngân sách lên 2% GDP sẽ có nghĩa là tăng từ mức 1,53% được phân bổ vào năm 2021.
Chắc chắn, những sự tăng cường mới sẽ biến Đức trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc; nhưng cần một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện chi tiêu, xây dựng hệ thống mua sắm, lập kế hoạch cho những gì được yêu cầu và xây dựng năng lực phù hợp để các lực lượng có thể sử dụng các hệ thống mới.
Phản ứng nhanh chóng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến việc chuyển sang một NSS mới. Trong đó, việc quản lý nguồn cung năng lượng, đáp ứng các sở thích khác nhau của các đối tác liên minh và năng lực của Bundeswehr hiện nay là những bước đi quan trọng. Đức không quen với những điều này và bây giờ sẽ thích ứng với tình hình ở trong nước và ở châu Âu./.