Theo trang mạng aljazeera.com, đối với nhiều người Palestine, rõ ràng cuộc chiến gần đây tại Gaza chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chính trường Palestine. Xét cho cùng, chiến tranh là một phần mở rộng của chính trị.
Leo thang quân sự tại Gaza được châm ngòi bởi các sự kiện tại Jerusalem. Các lực lượng Israel đã liên tục xông vào Thánh đường Al-Aqsa và chuẩn bị trục xuất các gia đình người Palestine sinh sống lâu năm khỏi khu vực Sheikh Jarrah.
Khi người Palestine bắt đầu phẫn nộ và biểu tình liên tiếp nổ ra và sau đó bị lực lượng chiếm đóng đàn áp mạnh mẽ, Chính quyền Palestine (PA) chỉ đưa ra các tuyên bố yếu ớt không thu hút được sự chú ý của dư luận.
Thế giới Arab đã lên án bằng lời nói và chỉ dừng lại ở đó. Một số quốc gia Arab, đặc biệt là các quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm ngoái, thậm chí đã không làm vậy. Cộng đồng quốc tế tiếp tục đưa ra các tuyên bố “quan ngại” quen thuộc và kêu gọi “hai bên” xuống thang căng thẳng.
Trong bối cảnh sự tàn bạo của Israel gia tăng và hầu hết các chính phủ trên thế giới tiếp tục giữ im lặng, một số người Palestine đã kêu gọi Hamas can thiệp. Ngày 10/5 vừa qua, phong trào kháng chiến này đã đưa ra tối hậu thư cho quân đội Israel yêu cầu rút quân khỏi Thánh đường Al-Aqsa và Sheikh Jarrah. Israel từ chối, vì vậy Lữ đoàn al-Qassam, một cánh vũ trang của Hamas, đã nã rocket vào Jerusalem.
Lực lượng chiếm đóng đã nhanh chóng phản ứng. Họ bắt đầu ném bom Gaza, phá hủy nhiều nhà dân và giết hại hàng trăm người Palestine, trong đó có 66 trẻ em.
[Mỹ kêu gọi Israel và Palestine tránh các hành động gây căng thẳng]
Tuy nhiên, các vụ không kích đó không ngăn được các đợt rocket tiếp tục dội vào Israel. Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt đã đánh chặn được nhiều rocket, nhưng không phải tất cả.
Thiệt hại mà rocket gây ra là rất nhỏ so với những gì Gaza một lần nữa phải gánh chịu, khi nhiều nhà dân bị phá hủy và cơ sở hạ tầng bị sụp đổ hoàn toàn. Mặc dù vậy, rocket cũng đã gây ra một số thương vong, khiến sân bay Tel Aviv phải đóng cửa và làm xáo trộn cuộc sống của người dân tại nhiều thành phố và thị trấn của Israel.
Phản ứng của Hamas trước hành động gây hấn của Israel được nhiều người Palestine trong và ngoài Gaza hoan nghênh. Có thể nghe thấy những lời hô hào ủng hộ Hamas tại các khu vực biểu tình ở Jerusalem, Bờ Tây và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine sau cuộc chiến Arab-Israel năm 1948.
Tại Bờ Tây, người Palestine đã xuống đường thể hiện sự đoàn kết với những người anh em ở Jerusalem và Gaza, yêu cầu PA chấm dứt “hợp tác an ninh” với Israel. Đáp lại, lực lượng an ninh của PA đã đàn áp một số cuộc biểu tình và bắt giữ các nhà hoạt động.
Tới ngày 14/5, PA dường như không còn khả năng kiểm soát tình hình tại Bờ Tây. Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên khắp vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và quân đội Israel đã giết hại 11 người Palestine.
Sau khi lệnh ngừng bắn được đưa ra, PA vẫn tiếp tục trấn áp các phong trào hoạt động của người Palestine. Lực lượng an ninh Palestine, dưới sự kiểm soát của PA, đã tiến hành một chiến dịch bắt giữ các nhà hoạt động Palestine và đe dọa họ nhằm buộc họ phải im lặng.
Nhiều người Palestine cho rằng chính sự yếu kém và việc hợp tác với Israel của PA đã cho phép các lực lượng Israel thực hiện tội ác chống người Palestine ở Bờ Tây và Jerusalem bị chiếm đóng mà không phải gánh hậu quả.
Dưới sự giám sát của PA, việc trục xuất các gia đình Palestine cũng như các vụ đột kích thường xuyên vào khu vực linh thiêng thứ ba của Đạo Hồi, Thánh đường Al-Aqsa, vẫn tiếp diễn. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm Do Thái hóa thành phố này.
Trên thực tế, trong mắt nhiều người Jerusalem, PA đồng lõa với việc Israel chiếm đoạt đất đai và tài sản của người Palestine ở Jerusalem. Họ chưa bao giờ thực hiện hành động nào chống lại các cá nhân Palestine được cho là hỗ trợ hoạt động chiếm đoạt này.
Việc PA lên án yếu ớt hành động của Tel Aviv và vẫn duy trì hợp tác an ninh với Israel bất chấp làn sóng biểu tình và cuộc chiến tại Gaza càng củng cố quan điểm đó. Do vậy, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và đảng Fatah của ông nhận thấy họ đang ở vị thế chính trị rất yếu sau khi bạo lực tại Jerusalem và cuộc chiến tại Gaza bùng nổ.
Cùng với Israel, Abbas và Fatah dường như là những kẻ thua cuộc lớn trong cuộc đối đầu lần này.
Ngược lại, Hamas nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của người dân Palestine sau khi giành độc quyền bảo vệ Jerusalem, Thánh đường Al-Aqsa và Sheikh Jarrah từ Israel và Chính quyền Palestine.
Tổn thất chính trị mà giới lãnh đạo Palestine phải đối mặt tại Ramallah cũng thể hiện rõ trên trường quốc tế. Ngoại trừ cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden mà ông được yêu cầu cố gắng hạ nhiệt căng thẳng tại Bờ Tây, Abbas dường như bị cô lập về mặt chính trị.
Tại các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Hamas và Israel, các nhà lãnh đạo Hamas đã trao đổi trực tiếp với các nhà trung gian hòa giải của khu vực và quốc tế, trong khi các quan chức PA bị “cho ra rìa.”
Trong cuộc đụng độ với Israel, Hamas đã mất hàng chục tay súng, một phần khả năng quân sự và chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng ở Gaza sau các đợt không kích của Israel. Tuy nhiên, phong trào này nhận thấy họ đã giành được tính hợp pháp chính trị trong khu vực và quốc tế nhờ vào các hành động quân sự của mình.
Điều này, kết hợp với sự ủng hộ ngày càng lớn của người dân Palestine, đã đem lại cho Hamas một ưu thế chính trị đáng kể.
Các biến chuyển này diễn ra vào thời điểm người dân Palestine dự kiến sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Palestine sau 15 năm. Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, Abbas đã hoãn cuộc bầu cử với lý do Israel không cho phép mở các điểm bỏ phiếu ở khu vực chiếm đóng Jerusalem. Quyết định này đã khiến công chúng Palestine thất vọng, họ coi đó là sự phủ nhận những quyền dân chủ cơ bản nhất của họ.
Cả Abbas và Chính phủ Israel đều lo ngại một cuộc bầu cử tự do của Palestine có thể sẽ đưa Hamas lên nắm quyền tại Bờ Tây, nhất là trong bối cảnh Fatah đang chia rẽ nội bộ và nhận được sự ủng hộ thấp từ người dân. Hiện nay, những lo ngại này thậm chí còn rõ rệt hơn.
Về phần mình, Hamas coi các cuộc biểu tình và sự ủng hộ trên đường phố Palestine là một cuộc trưng cầu ý dân đối với hoạt động của phong trào này và tự coi mình có đủ khả năng lãnh đạo người Palestine không chỉ tại Gaza, mà tại cả Bờ Tây và Jerusalem.
Thực tế này, cùng với sự nhất trí của tất cả các phe phái Palestine, trừ Fatah, rằng vai trò lãnh đạo phong trào dân tộc Palestine không nên tiếp tục nằm trong tay Abbas không phải là điềm báo tốt cho triển vọng chính trị của Tổng thống Abbas.
Đây là lý do tại sao PA có thể sẽ tiếp tục hoãn bầu cử nhằm ngăn Hamas sử dụng uy tín ngày càng tăng của họ. Chính quyền ông Biden, vốn ủng hộ nhiệt thành Israel, cũng không muốn Hamas giành chiến thắng và do đó có khả năng sẽ ủng hộ một động thái như vậy từ PA.
Hamas không chấp nhận một kịch bản như vậy và đã bắt đầu tiếp cận tất cả các phe phái chính trị Palestine, trừ Fatah, trong một nỗ lực nhằm thành lập một ban lãnh đạo quốc gia thống nhất chống lại chính quyền không được bầu tại Ramallah. Động thái này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Fatah cũng như các quốc gia khu vực và quốc tế, những người không muốn Hamas nắm quyền lãnh đạo Palestine.
Chính quyền Palestine, với sự hậu thuẫn từ nước ngoài, có thể tiếp tục hoãn bầu cử, nhưng tính hợp pháp của họ sẽ chỉ tiếp tục suy giảm. Sớm hay muộn, nó sẽ giảm tới mức vị thế lãnh đạo của PA không còn đứng vững.
Người dân Palestine, với cuộc đấu tranh đang được hồi sinh sau các cuộc biểu tình ở Jerusalem và cuộc chiến ở Gaza cùng với sự ủng hộ ngày càng lớn mà họ nhận được từ nước ngoài, sẽ không tha thứ cho những lãnh đạo không đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu./.