Hệ thống quốc tế hậu xung đột Nga-Ukraine sẽ đi về đâu?

Ngoại trưởng Nga nói rất rõ rằng chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraine là nhằm chấm dứt trật tự thế giới do Mỹ thống trị, đồng thời thúc đẩy sự xuất hiện của một xã hội quốc tế bình đẳng.
Hệ thống quốc tế hậu xung đột Nga-Ukraine sẽ đi về đâu? ảnh 1Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" (Trung Quốc) đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Ngô Tâm Bá, Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ là cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev, mà còn liên quan đến những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột lớn trong hệ thống quốc tế.

Cuộc xung đột này đã diễn ra hơn 100 ngày và thu hút sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Nga đã phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraine, và một trong những mục tiêu chính của Moskva là chấm dứt sự bá quyền của Mỹ ở châu Âu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rất rõ rằng điều này là nhằm chấm dứt trật tự thế giới do Mỹ thống trị, đồng thời thúc đẩy sự xuất hiện của một xã hội quốc tế bình đẳng.

Các phản ứng của Mỹ và phương Tây đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng là chưa từng có.

[Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh năng lượng toàn cầu]

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt không chỉ nhằm trấn áp Nga trong cuộc xung đột này, mà còn nhằm cắt đứt các liên kết thương mại, tài chính, công nghệ và năng lượng giữa phương Tây và Nga, đồng thời tái thiết nền kinh tế-thương mại và hệ thống quản trị toàn cầu. Vì vậy, dù là Nga hay Mỹ, mục tiêu của họ trong cuộc xung đột này đều mang tính hệ thống.

Ba cú sốc đối với hệ thống hậu Chiến tranh Lạnh

Năm 1998, Nga được mời tham gia nhóm G7 và trở thành thành viên thứ 8. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đánh dấu sự hình thành cơ bản của hệ thống quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Nga và Trung Quốc, 2 đối thủ chính của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, cũng được đưa vào hệ thống này.

Có thể nói, khi Mỹ để Trung Quốc và Nga cùng tham gia hệ thống này, động thái đó đã vượt ra khỏi sự khác biệt về địa chính trị và ý thức hệ bởi vì thời điểm đó Mỹ tập trung xây dựng một hệ thống mang tính bao trùm và toàn cầu.

Tuy nhiên, 20 năm sau đó, hệ thống này đã phải chịu 3 cú sốc lớn:
Một là chiến tranh Iraq. Mỹ đã “vượt mặt” Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) phát động cuộc chiến này, rõ ràng thách thức sự thống trị của Liên hợp quốc trong an ninh quốc tế. Bất chấp cú sốc này, hệ thống quốc tế chỉ bị "hư hỏng" chứ không đổ vỡ.

Hai là tác động của chính quyền Donald Trump đối với hệ thống quốc tế được thể hiện ở chủ nghĩa đơn phương và "rút khỏi nhóm", gây tác hại nghiêm trọng và thiệt hại cho nhiều cơ chế và quy tắc quốc tế.

Ba là cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhiều đợt trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga đã phá hoại nghiêm trọng các quy tắc quốc tế hiện có, tác động đối với hệ thống quốc tế sẽ rất lớn và lâu dài.

Bốn xu hướng mới nổi

Hiện có sự cộng hưởng giữa cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và các biện pháp trừng phạt Nga.

Hệ thống quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh là một nỗ lực nhằm vượt qua địa chính trị và hệ tư tưởng, nhưng kể từ khi Donald Trump cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, Mỹ đã tái ưu tiên các yếu tố địa chính trị và ý thức hệ trong chính sách đối ngoại, tập trung nhiều vào địa chính trị và cái gọi là "giá trị quan" trong quan hệ với Trung Quốc hơn là toàn cầu hóa và thị trường.

Do đó, việc Mỹ tiếp tục cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga đã thúc đẩy hoặc làm trầm trọng thêm 4 xu hướng lớn:

Một là "vũ khí hóa" sự phụ thuộc lẫn nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thể hiện ở thị trường, công nghệ, tài chính... và là kết quả của các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay chúng được phương Tây sử dụng như một vũ khí quan trọng để chống lại Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác (như Iran, Triều Tiên...).

Hai là “an ninh hóa” các quan hệ kinh tế. Logic của toàn cầu hóa là logic thị trường, tức là sắp xếp đầu tư, sản xuất và tiêu thụ trên quan điểm tối đa hóa lợi ích kinh tế.

Nhưng ngày nay, Mỹ và một số nước phương Tây ngày càng chú ý nhiều hơn đến khía cạnh an ninh của các mối quan hệ kinh tế, bất kể là công nghệ, đầu tư hay bố trí dây chuyền công nghiệp, điều được quan tâm đầu tiên là vấn đề an ninh. Việc “an ninh hóa” các quan hệ kinh tế đã làm suy yếu, thậm chí đảo ngược logic của toàn cầu hóa.

Ba là “công cụ hóa” hàng hóa công cộng quốc tế. Đồng USD, cũng như hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD, đã trở thành một phần của hàng hóa công cộng quốc tế, về lý thuyết, nó vẫn mang tính chất công cộng, nhưng hiện ngày càng được Mỹ sử dụng như một công cụ chính sách đối ngoại.

Bốn là "tư tưởng hóa" các quan hệ quốc tế, hay còn được gọi là "giá trị quan hóa" theo thuật ngữ phương Tây. Quan hệ quốc tế ngày nay ngày càng được xếp theo thứ tự gọi là “giá trị quan”. Biden gần đây đã đến châu Á để quảng bá "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", và một trong những ngọn cờ chính mà ông thúc đẩy là "giá trị quan."

Ba hệ quả

Trong bối cảnh đó, hệ thống kinh tế-thương mại toàn cầu, hệ thống quản trị toàn cầu và hệ thống quan hệ quốc tế đều đang có những thay đổi quan trọng.

Một là quá trình chuyển đổi từ toàn cầu hóa kinh tế sang tập đoàn kinh tế. Thế giới đang dần bị phân chia thành các khối thương mại, công nghệ và tiền tệ khác nhau.

Không chỉ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, “loại bỏ Trung Quốc ” về thương mại, công nghệ, đầu tư, chuỗi công nghiệp…, mà nhiều nước trên thế giới cũng “loại bỏ đồng USD” trong lĩnh vực tiền tệ.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga khi sử dụng đồng USD làm vũ khí có thể gây áp lực đối với Nga trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó sẽ làm suy yếu tín dụng quốc tế đối với đồng USD, khiến nhiều nước cân nhắc giảm sự phụ thuộc vào USD.

Hai là sự suy yếu, thậm chí là chia rẽ, của hệ thống quản trị toàn cầu. Ví dụ, tại cuộc họp G20 năm nay, Mỹ đã yêu cầu không cho Nga tham gia.

Liệu G20 có thể thực sự phát huy vai trò là nền tảng chính để điều phối vĩ mô nền kinh tế thế giới trong tương lai hay không là một dấu hỏi lớn.

Tại Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc ngày càng mâu thuẫn với Mỹ và các đồng minh. Hiện tượng này sẽ dần lan sang các cơ chế quản trị toàn cầu khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Hợp tác trong quản trị toàn cầu vốn đã vượt ra ngoài địa chính trị và ý thức hệ, nhưng Mỹ hiện ngày càng đưa các yếu tố địa chính trị và ý thức hệ vào các nền tảng này, điều này sẽ làm suy yếu chức năng của hệ thống quản trị toàn cầu, thậm chí dẫn đến một mức độ phân mảnh nhất định của hệ thống.

Ba là tổ chức lại các mối quan hệ quốc tế. Trong cuộc chơi quốc tế xoay quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine, cho dù đó là nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án Nga, hay phương Tây tung ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, hoặc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì đó đều là sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế, và nó rất nghiêm trọng.

Tín hiệu mà nó truyền đi là sự hợp tác và đồng thuận trong các mối quan hệ quốc tế ngày nay đang phai nhạt, và thế giới ngày càng bị chia thành hai phe đối lập và một phe trung gian. Phe trung gian không muốn chọn phe, mà áp dụng một thái độ thực dụng theo chiều hướng vấn đề, có những lập trường khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau.

Xu hướng này sẽ kéo dài trong bao lâu? Nó không chỉ phụ thuộc vào cách Mỹ và phương Tây đối xử với Nga mà còn cả cách họ đối xử với Trung Quốc.

Mặc dù Nga muốn chấm dứt bá quyền của Mỹ, nhưng xét từ khía cạnh năng lực và định hướng chính sách, Nga nhiều khả năng chỉ có thể làm suy yếu sự thống trị bá quyền của Mỹ, nhưng để hình thành một hệ thống quốc tế bình đẳng hơn, có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các lựa chọn và hành động của Trung Quốc và các nước đang phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.