Ngay phía dưới con đường vốn đông đặc xe cộ, luôn tắc nghẽn và khói bụi ở Thủ đô Jakarta của Indonesia, một hệ thống giao thông công cộng hiện đại vào bậc nhất trong khu vực vừa được đưa vào sử dụng, là niềm tự hào của người dân Jakarta.
Hệ thống tàu điện ngầm (MRT) cũng sẽ là một giải pháp hữu hiệu trong nỗ lực khắc phục tình trạng giao thông tồi tệ, xây dựng Jakarta trở thành một thành phố thông minh với giao thông tiện lợi cho mọi người dân.
Tuyến số 1 trong hệ thống tàu điệm ngầm Jakarta vừa được đưa vào khai thác bao gồm các đoạn đường ngầm và đường trên cao với 13 nhà ga, 1 điểm trung chuyển, trong đó có 6 ga ngầm, 6 ga trên cao và 1 trạm cuối là nơi tập kết, bảo trì, sửa chữa tàu.
Tuyến đường đầu tiên dài 16km nối từ vòng xoay trung tâm thành phố, khách sạn Indonesia (HI) đến điểm cuối là Lebak Bulus, phía Nam Thủ đô. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của Jakarta và thường xuyên xảy ra ùn tắc do mật độ dày đặc của các phương tiện.
Hệ thống đường MRT số 1 đang hoạt động miễn phí đến hết ngày 31/3, nhiều người dân đã đến các nhà ga để được trải nghiệm lần đầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại.
Tuy nhiên, để được lên tàu, họ phải đăng ký qua mạng với công ty MRT Jakarta từ trước và có vé mời điện tử. Một số người không có vé thì đến các nhà ga để tham quan.
Tại khu vực ga Senayan, ở khoảng giữa của toàn tuyến, nhân viên an ninh và các nhân viên được bố trí để hỗ trợ, hướng dẫn người dân.
Phòng bán vé chưa hoạt động vì vẫn đang miễn phí cho hành khách. Chưa có nhiều cửa hàng, quán ăn, quán càphê đi vào hoạt động mặc dù hầu hết các khu vực đã đấu thầu xong.
[Indonesia khai trương tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở thủ đô Jakarta]
Cô Kiki, người dân Jakarta cho biết, nhà cô khá gần ga MRT Senayan nên đã đưa con gái nhỏ đi cùng để được thử cảm giác đi tàu điện ngầm.
Cô cảm thấy rất tự hào về MRT của Jakarta, rất sạch đẹp và hiện đại. Kiki cũng nói sẽ thường xuyên lựa chọn MRT khi phải đi đâu đó, vì nó chắc chắc là sẽ không bị tắc đường nên sẽ đi rất nhanh.
Reja cùng nhóm bạn là sinh viên ở Depok, rất xa tuyến MRT nhưng vẫn đi xe buýt đến ga Senayan để đi thử MRT. Họ đã đăng ký với Công ty MRT Jakarta và có vé mời điện tử.
Trước giờ lên tàu, họ chắc chắn là cảm giác sẽ rất tuyệt vời. Cả nhóm vẫn thường đi xe buýt hoặc tàu hỏa và đều chia sẻ niềm tự hào vì Thủ đô Jakarta đã có MRT, có thêm lựa chọn cho người dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho tuyến số 1 là 17 nghìn tỷ Rupiah (tương đương 1,2 tỷ USD), trong đó 1 tỷ USD là nguồn vốn vay của Nhật Bản, cũng là nước trúng thầu thực hiện dự án này và dự án được khởi công xây dựng từ năm 2013.
Theo ông Kawabata Tomoyuki, Đại diện cao cấp Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tại Indonesia, MRT là hệ thống vận tải quan trọng cho người dân di chuyển và đi lại hàng ngày ra vào trung tâm Jakarta.
Không chỉ vậy, cả phía JICA và đối tác Indonesia cùng hy vọng MRT sẽ thay đổi thái độ và thói quen người dân để sử dụng MRT thay vì đi bằng ôtô cá nhân hay xe máy.
Bắt đầu từ cuối tháng 1/2019, Công ty MRT Jakarta đã tiến hành một loạt các hoạt động thử nghiệm đồng thời với 8 bộ tàu vận hành mỗi ngày, trong khoảng 1 tháng.
Đến cuối tháng 2, các hoạt động thử nghiệm được chia theo hai lĩnh vực gồm các bên liên quan đến vận hành và các cơ quan phụ trách vấn đề công cộng.
Từ 27/2 đến 11/3 là thời gian tiếp tục thử nghiệm vận hành các hoạt động khẩn cấp, như thoát hiểm, cứu hỏa. Sau đó, các chuyến tàu thử nghiệm dành cho cộng đồng được tiến hành đến hết 31/3.
Dự kiến trong năm đầu tiên hoạt động, MRT Jakarta sẽ vận chuyển 65.000 lượt hành khách mỗi ngày, giảm đáng kể lưu lượng người tham gia giao thông bằng các phương tiện trên mặt đất và góp phần giải quyết vấn nạn tắc đường nổi tiếng ở Thủ đô Jakarta./.