Hệ thống vệ tinh định vị Galileo của châu Âu hoạt động trở lại

Sau 6 ngày bị tê liệt do sự cố kỹ thuật từ trạm điều khiển, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của châu Âu mang tên Galileo đã hoạt động trở lại.
Hệ thống vệ tinh định vị Galileo của châu Âu hoạt động trở lại ảnh 1(Ảnh: ESA)

Trong tuyên bố đưa ra ngày 18/7, Cơ quan Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) châu Âu cho biết, người dùng đã có thể nhận thấy được những tín hiệu phục hồi của hệ thống định vị vị trí và thời gian của Galileo, dù một số thay đổi bất thường vẫn có thể xuất hiện đến khi có thông báo tiếp theo. 

Trước đó, hệ thống định vị của châu Âu đã trục trặc từ ngày 11/7 do một sự cố kỹ thuật từ trạm điều khiển mặt đất đặt tại Italy. Sự cố khiến tất cả các thiết bị thông minh đều không thể thu được thông tin khả dụng về thời gian hay địa điểm. 

Được Liên minh châu Âu (EU) phát triển từ đầu những năm 2000, Galileo là hệ thống định vị toàn cầu của châu Âu, độc lập với hệ thống định vị GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Beidou/Compass của Trung Quốc.

[Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Galileo gặp sự cố]

Hệ thống này được thiết kế gồm 30 vệ tinh, trong đó 27 vệ tinh hoạt động liên tục bao phủ toàn bộ tín hiệu trên Trái Đất. Đến tháng 12/2018, Ủy ban châu Âu cuối cùng đã đưa vào sử dụng các dịch vụ đầu tiên của hệ thống này sau nhiều năm xây dựng và thử nghiệm.

Tuy nhiên, dự án Galileo liên tục vấp phải nhiều chỉ trích, nhất là vấn đề chi phí tăng cao và bị trì hoãn trong nhiều năm. Đầu năm 2017, hệ thống này cũng đã gặp phải sự cố lớn khi xuất hiện lỗi kỹ thuật trên nhiều vệ tinh của hệ thống. 

Sau một năm chính thức vận hành, Galileo đã có khoảng 100 triệu người sử dụng, chủ yếu là cho chức năng định vị của điện thoại thông minh. Ưu điểm nổi bật của hệ thống Galileo là định vị chính xác tới 30 cm, so với khoảng 5m của hệ thống định vị GPS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.