Hệ tri thức Việt số hóa dự kiến được vận hành vào đầu năm 2018

Dự kiến vào tháng 11 tới, bản thử nghiệm của Hệ tri thức Việt số hóa sẽ được gửi cho cộng đồng đánh giá, đóng góp và đầu năm 2018 có thể đưa vào vận hành.
Hệ tri thức Việt số hóa dự kiến được vận hành vào đầu năm 2018 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia Đào Mạnh Thắng cho hay, dự kiến vào tháng 11 tới, bản thử nghiệm của Hệ tri thức Việt số hóa sẽ được gửi cho cộng đồng đánh giá, đóng góp và đầu năm 2018 có thể đưa vào vận hành.

[Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa]

Theo ông Thắng, ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa với mục tiêu xây dựng hệ tri thức tổng hợp, phổ biến tri thức, thúc đẩy tinh thần học tập, tạo cơ hội cho người dân ứng dụng tri thức của nhân loại phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Trước câu hỏi về nguồn vốn để xây dựng đề án này, ông Thắng cho biết đề án “huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, thanh niên tri thức nhằm khơi dậy trí sáng tạo, đóng góp cho nền tri thức của đất nước.” Tiêu chí của Hệ tri thức Việt số hóa là phi lợi nhuận.

Cũng theo ông Thắng, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì triển khai đề án này đã thành lập nhóm nòng cốt bao gồm các chuyên gia của bộ và của một số doanh nghiệp công nghệ thông tin. Sau khoảng ba tháng hình thành, nhóm hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã lên ý tưởng, thiết kế nền tảng.

Dự kiến, Hệ tri thức Việt số hóa sẽ gồm bốn phần. Trong đó, phần 1 là dữ liệu mở - là nơi tập hợp dữ liệu được công bố công khai của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước. Phần 2 là cây tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, tận dụng nguồn dữ liệu trong và ngoài nước. Nhóm dự kiến sẽ huy động thanh niên tri thức tham gia vào việc Việt hóa tri thức của thế giới, bổ sung tri thức của người Việt theo một hệ thống bài bản, tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu.

Thứ 3 là phần hỏi đáp, cho phép người dùng “thắc mắc” trong mọi lĩnh vực. Điểm khác biệt của ngân hàng hỏi đáp là sự liên kết với các trang mạng xã hội, diễn đàn về khoa học và công nghệ đang hoạt động ở Việt Nam để đưa ra câu trả lời có độ chính xác cao.

Cuối cùng, kho ứng dụng sẽ cung cấp hệ thống công cụ, dịch vụ, cho phép doanh nghiệp start-up sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn..., khai thác dữ liệu để đáp ứng yêu cầu của người dùng.

Cũng theo ông Thắng, sự thành công của đề án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam. Bởi lẽ, hiện nay thông tin của chúng ta nhiều nhưng chủ yếu mang tính chất giải trí, tin tức và rất ít thông tin khoa học để người dân tiếp cận học hỏi và sáng tạo.

“Mục tiêu cao nhất của đề án là góp phần phát triển ngành công nghiệp nội dung số, từ đó định hướng sử dụng thông tin trên môi trường mạng,” ông Thắng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục