Các chuyên gia hải dương học cảnh báo hàng trăm nghìn tấn vũ khí hóa học và thông thường bị chìm từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai dưới đáy biển Baltic, đang tạo ra mối đe dọa mà nếu không được giải quyết, có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, thậm chí cả sức khỏe con người.
Theo chuyên gia Jacek Beldowski từ Viện Hải dương học thuộc trường đại học Khoa học Ba Lan, khoảng 40.000 tấn vũ khí hóa học và hàng trăm nghìn tấn vũ khí thông thường đã nằm sâu ở đáy biển Baltic kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Không chỉ Baltic mà hiện nhiều vùng biển tại châu Âu cũng đang gặp vấn đề tương tự và các loại vũ khí này đang tạo ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống và hệ sinh thái biển.
[Hoàn thiện cơ chế chính sách cấp phép nhận chìm vật, chất xuống biển]
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ) về một dự án được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, có tên gọi là "Daimon" nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến các loại vũ khí bị chìm dưới nước, bà Jacek Beldowski nhấn mạnh có những vũ khí nguy hiểm ngay lập tức, có một số vũ khí có thể nguy hiểm trong tương lai. Theo bà Jacek Beldowski, cần phải có hàng loạt biện pháp, trong đó bao gồm việc giám sát, hạn chế hoạt động của con người tại khu vực bị ảnh hưởng và phá hủy những vũ khí bị chìm này.
Dự án "Daimon", có sự tham gia của các chuyên gia từ Ba Lan, Nga, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Lítva, sẽ đánh giá cụ thể những nguy cơ mà các loại vũ khí chiến tranh có thể gây ra cho môi trường tại khu vực biển Baltic, qua đó tìm ra cách giải quyết vấn đề. Dự án sẽ được trình Ủy ban châu Âu. Bà Jacek Beldowski cũng cho biết hiện có 3 dự án ở cả ở cấp châu Âu và quốc tế về vấn đề này đang được triển khai./.