Hiến kế xây dựng Mộc Bài thành trung tâm thương mại quốc tế

Các chuyên gia kinh tế nhận định Mộc Bài sẽ trở thành động lực mới, là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam và các nước ASEAN.
Khu công nghiệp Phước Đông - khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Tây Ninh, tọa lạc gần đường dẫn vào đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài - thu hút gần 50 dự án đầu tư với tổng vốn đạt 5,95 tỷ USD. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Các chuyên gia nhận định Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do sự ổn định về an ninh, chính trị. Đặc biệt, vị trí địa lý thuận lợi cho việc thiết lập chuỗi cung ứng, nguồn lao động dồi dào có chất lượng với chi phí lao động cạnh tranh; môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh được định hướng đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng Khu đô thị-công nghiệp-dịch vụ, mở ra cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức lớn.

Cơ hội lớn

Cụ thể, Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 12/5/2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua “Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đến năm 2045” xác định phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp xanh, đô thị xanh-sạch, thông minh, bền vững, có bản sắc và có tầm kết nối quốc tế.

Đặc biệt, đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục các vấn đề tồn tại về phát triển biên mậu, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế-văn hóa và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Do đó, các chuyên gia phân tích cần xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Tây Ninh và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong tổng thể phát triển của Vùng kinh tế Đông Nam bộ và cả nước để xây dựng các định hướng và mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cho phù hợp. Cùng đó, cơ cấu lại ngành công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cũng nhìn nhận việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng tập trung phát triển các dịch vụ cửa khẩu, logistics, phát triển các khu công nghiệp, khu vực giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu là giải pháp đúng hướng.

Tổng Cục Hải quan cũng đề xuất Mộc Bài cần tận dụng cơ hội cửa ngõ hành lang kinh tế Xuyên Á, với nhu cầu quá cảnh hàng hóa của các khu công nghiệp tại tỉnh SvayRieng, Vương quốc Campuchia ra các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có thể phát triển mạnh dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây sẽ là động lực mới để thu hút đầu tư phát triển.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng đề xuất Tây Ninh sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở để đẩy mạnh đầu tư, tập trung phát triển giao thông kết nối (kết nối đa phương thức giữa đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt) để nâng cao hiệu quả kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá và phân kỳ đầu tư phù hợp. Đồng thời, huy động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng.

[Campuchia nghiên cứu dự án cao tốc từ Phnom Penh đi cửa khẩu Mộc Bài]

Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh giai đoạn 2022-2025 một số cao tốc quan trọng sẽ được tập trung đầu tư xây dựng như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; cao tốc Gò Dầu-Xa Mát; đường vành đai 3,4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Song song đó, tỉnh cũng cần nâng cao mạng lưới đường địa phương như đường tỉnh 782, 787, đường đô thị, đường huyện… đảm bảo kết nối đồng bộ với mạng lưới đường bộ quốc gia góp phần giảm chi phí vận tải, logistics.

Hóa giải thách thức

Để phát triển Mộc Bài, ngoài khắc phục những hạn chế đang tồn tại, việc cơ cấu lại ngành công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cần theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nhà máy sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH Sailun Việt Nam, khu công nghiệp Phước Đông (tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đặc biệt, phải tạo ra sự liên kết giữa Mộc Bài với các khu công nghiệp trong tỉnh, trong vùng để hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn với thương mại và xuất khẩu; trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển.

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khuyến nghị xây dựng mô hình mới tổng hợp nhiều chức năng cho Mộc Bài theo hướng công nghiệp-đô thị-thương mại-du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế, lấy công nghiệp làm động lực chính cho sự phát triển.

Trong số đó, công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, năng lượng sạch, đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics kết nối vùng, phát triển du lịch mang tầm cỡ quốc tế… Những giai đoạn kế tiếp sẽ kêu gọi những nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới đến đầu tư làm động lực chính cho sự phát triển.

Theo ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đúng tầm, đúng hướng thì Tây Ninh phải phát triển hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, logistics, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và kết cấu hạ tầng thiết yếu sinh hoạt cho người dân.

Sử dụng nguồn vốn ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để đầu tư các công trình thiết yếu, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị cho khu kinh tế cửa khẩu.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng gợi ý Tây Ninh cũng cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng phát huy vai trò của các loại hình vận tải khác như đẩy mạnh khai thác vận tải đường thủy nội địa tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Bến Lức-biên giới Campuchia, phát triển vận tải thủy nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông; tăng cường kết nối vận tải thủy hàng hóa giữa Tây Ninh với một số tỉnh thành Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh, kéo dài lên Mộc Bài kết nối với đường sắt Campuchia tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài/Bavet sau năm 2030; đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cảng cạn Mộc Bài kết hợp với Trung tâm logistics với quy mô 150ha phục vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Mặt khác, tỉnh cần phối hợp với phía bạn Campuchia thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông khu vực hai cửa khẩu để tạo hành lang kết nối thông suốt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến PhnomPenh (Campuchia). Đồng thời, thiết lập khu vực kiểm tra thông quan chung tại cặp cửa khẩu Mộc Bài/Bavet tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai “một cửa, một lần dừng,” hỗ trợ vận tải hàng hóa qua biên giới thuận lợi.

Công nhân làm việc tại một công ty sản xuất thảm cỏ nhân tạo ở khu công nghiệp Phước Đông (tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng hệ thống giao thông từng bước hoàn thiện theo quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối Việt Nam-Campuchia, đặc biệt là sự kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, tạo trục liên kết phát triển công nghiệp-đô thị-logistics, tạo động lực mới cho liên kết vùng Đông Nam bộ và phát triển Mộc Bài, kết nối với nước bạn Campuchia.

Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định phát triển Mộc Bài sẽ trở thành động lực mới, cực tăng trưởng phát triển có tầm cạnh tranh với khu vực và quốc tế, là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và các nước ASEAN, trung tâm dịch vụ cửa khẩu… Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề còn đang tồn tại ở Mộc Bài sẽ là những thách thức không hề nhỏ cho Tây Ninh.

Do đó, việc sớm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù (phù hợp với quy định pháp luật nhưng đảm bảo thông thoáng về tài chính, đất đai, thủ tục hành chính…) để thu hút đầu tư trong và ngoài nước là cần thiết.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như: chế biến tinh, cơ khí, chế tạo, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, điện tái tạo.

Cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tăng cường quảng bá đầu tư, năng lực cạnh tranh của địa phương bằng các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục