Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng: Dòng chảy văn hóa, lịch sử ngàn năm

Trải qua hàng ngàn năm, sông Hồng vẫn lặng lẽ bồi đắp văn hóa cho đời sống tinh thần cư dân hai bên bờ và là nhân chứng lịch sử cho những thăng trầm của đất Thăng Long-Hà Nội.
Cầu Long Biên vắt qua sông Hồng nối liền quá khứ với hiện tại. (Ảnh: TTXVN phát)

Suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, sông Hồng gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Một dòng chảy mang nặng những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long-Hà Nội và cho sự phồn hoa đô hội.

Từ khát vọng hình thành thành phố hai bên bờ sông Hồng với một diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn, hài hòa với không gian văn hóa và lịch sử vốn có, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ vị trí quy hoạch cầu Hồng Hà nối huyện Đan Phượng với huyện Mê Linh đến vị trí quy hoạch cầu Mễ Sở nối huyện Thường Tín với huyện Văn Giang, Hưng Yên) và triển khai một cách sâu rộng tới toàn hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong nhiều nhiệm vụ lớn trước mắt, với lượng công việc đồ sộ nhưng thành phố luôn đặc biệt chú trọng đến các yếu tố về văn hóa, lịch sử nhằm tạo ra các trục không gian văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí mới mang tính biểu tượng của Thủ đô, gắn với xây dựng thành phố khang trang, hiện đại đặc trưng ven sông Hồng.

Loạt 5 bài viết với chủ đề "Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng," phản ánh những nỗ lực của Hà Nội trong việc biến những khát vọng sông Hồng trở thành hiện thực.

Bài 1: Dòng chảy văn hóa, lịch sử ngàn năm

Thăng Long-Hà Nội xưa kia được bao bọc bởi sông Hồng ở Bắc và phía Đông, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu (nhánh sông Tô) ở phía Tây và phía Nam. Sông Hồng - con sông trong dân gian gọi là Thủy tổ của người Việt, chính là tác nhân quan trọng kiến tạo nên đất Thăng Long-Hà Nội.

Trải qua hàng ngàn năm, sông Hồng vẫn lặng lẽ "gánh" nước nuôi dưỡng những vùng đất nó đi qua, bồi đắp văn hóa cho đời sống tinh thần cư dân hai bên bờ và là nhân chứng lịch sử cho những thăng trầm của đất Thăng Long-Hà Nội.

Kiến tạo lịch sử đất Kinh kỳ

Là con sông lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, sông Hồng có sức ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống sinh hoạt của cư dân trong vùng, cũng như Thăng Long-Hà Nội từ thủa sơ khai cho đến mãi sau này, với sứ mệnh che chở, nuôi dưỡng đời sống người dân từ dòng nước của mình. Bởi vậy, mọi thăng trầm, biến đổi của đời sống xã hội đất Kinh kỳ, sông Hồng đều chứng kiến và ghi dấu.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, cuộc dời đô của Vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra thành Đại La cũng đi theo dòng sông Hồng. Đoàn thuyền bắt đầu từ dòng Sào Khê ra đến bến sông Hoàng Long, xuôi về ngã ba Gián Khẩu, ngược dòng theo sông Đáy đến sông Châu Giang. Qua sông Châu Giang, đoàn thuyền đi ngược sông Hồng để vào được sông Tô Lịch phía trước thành Đại La. Cuộc dời đô đó mở ra một thời kỳ mới phát triển rực rỡ cho Thăng Long - Hà Nội, “nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.”

Sông Hồng cũng chứng kiến những cuộc nổi dậy của vua tôi, tướng sỹ các triều đại chống giặc phương Bắc, bảo vệ kinh thành Thăng Long. Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long ví von: “Cùng với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, sông Hồng như lá chắn giặc xâm lăng. Rất nhiều cuộc tập trận và cả những trận đánh diễn ra trên sông Hồng hoặc liên quan đến dòng sông này.”

[Xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của đất nước]

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người dày công nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, trong đó có văn hóa, lịch sử sông Hồng cho hay: Đời nhà Trần, sông Hồng từng chứng kiến trận Đông Bộ Đầu (năm 1258), là trận phản công chiến lược của quân đội nhà Trần, do vua Trần Thái Tông chỉ huy đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ tại Đông Bộ Đầu (khu vực gần cầu Long Biên), kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông lần thứ Nhất. Khu vực đầu phố Hàng Than, Hòe Nhai và bãi Trung Hà (bãi giữa sông Hồng xưa), vua Trần thường đưa quân ra luyện tập thủy binh, thậm chí quân lính nằm phủ cát lên người đề mai phục địch tại khu vực bãi giữa.

Đến đời nhà Lê, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa), kéo quân ra Thăng Long, đóng quân ở khu vực Bồ Đề, bên kia sông Hồng. Khi đóng dinh ở đó, hàng ngày, Lê Lợi cho quân bơi thuyền qua sông quấy nhiễu giặc Minh ở Kinh thành Thăng Long. Lúc lực lượng đủ mạnh, Lê Lợi cho quân vây kinh thành Thăng Long, buộc nhà Minh phải đầu hàng, rút khỏi Đại Việt. Khi lên ngôi Vua, Lê Lợi tổ chức lễ hội lớn tại sông Hồng, cho nghĩa quân bơi thuyền từ Bồ Đề sang Kinh thành Thăng Long, khua chiêng, gõ mõ báo với thiên hạ đất nước thống nhất.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hướng tới một Thành phố ven sông. (Ảnh: TTXVN phát)

Xưa kia, dọc theo dòng sông Hồng có nhiều bến, mỗi bến mang dấu ấn văn hóa từng vùng và đó cũng là nơi hình thành ra các chợ buôn bán hàng hóa. Bến sông là nơi giao lưu hàng hóa, đón hàng từ mạn ngược về Kinh đô Thăng Long, rồi tỏa đi các nơi cung cấp cho các địa phương khác. Vùng Đông Ngạc (Từ Liêm) có bến Ngát, chợ Ngát nổi tiếng Kinh thành Thăng Long; rồi chợ Cầu Đông nằm ở nhánh sông Tô Lịch nối ra sông Hồng.

Thời Pháp thuộc, người Pháp cho lấp hết các kênh rạch nên giao thông chủ yếu nằm ở sông Hồng. Khi chính quyền Pháp thuộc chưa cho người nước ngoài vào kinh doanh tự do tại Kẻ Chợ buộc những người này phải có thương điếm tại Phố Hiến và sau thời gian vài năm buôn bán tại đây, những người nước ngoài mới được phép đưa hàng vào Kẻ Chợ.

Vậy nên, vùng Kẻ Chợ tấp nập nhất là khu vực sông Hồng. Điều đó có nghĩa, việc đi lại, giao thương hàng hóa, sự sôi động của Kinh thành Thăng Long phụ thuộc chủ yếu vào dòng sông Hồng.

Bồi đắp văn hóa Thăng Long

Các dòng sông đều có vị trí rất đặc biệt trong việc hình thành nên các nền văn minh, tạo nên biểu tượng văn hóa, ảnh hưởng đến nhận thức và lối sống của xã hội. Vì thế, các nền văn mình lớn trên thế giới thường gắn với các con sông như văn minh sông Hằng, sông Hoàng Hà, sông Nin, Lưỡng Hà… hay ở Việt Nam là văn minh sông Hồng. Các di sản văn hóa cũng thường được thấy dọc những con sông, trở thành những chứng nhân lịch sử cho mỗi cộng đồng và cả dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên người ta gọi sông Hồng là sông Mẹ. Sông Hồng không chỉ là con sông lớn, nuôi dưỡng cả vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn là con sông ẩn chứa rất nhiều yếu tố văn hóa gắn với những nơi nó đi qua, đặc biệt là Thăng Long-Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: Thời xa xưa, khi chưa có đê, con người sống hòa thuận với thiên nhiên. Nhiều lần sóng to, nước lớn gây ngập hết đồng ruộng, người ta lập đền thờ cầu mong thủy thần không gây ngập lụt, sinh ra tín ngưỡng thờ thủy thần. Dọc sông Hồng có rất nhiều miếu thờ thủy thần và dấu tích đến nay vẫn còn. Rồi còn những truyền thuyết sinh ra từ dòng sông Hồng như truyền thuyết Lý Ông Trọng chém con giải trên sông và đình thờ ông chính là đình Chèm nằm ở ven sông Hồng. Hay truyền thuyết đền thờ Cẩu Nhi thờ con chó nhỏ mang trên mình chữ Vương khi bơi qua sông Hồng nhưng dòng sông cưu mang không dìm chết, sau này được Vua Lý Thái Tổ xây đền thờ tại hồ Trúc Bạch (nhánh của sông Hồng trước kia).

Sông Hồng cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội đèn Quảng Chiếu và lễ hội âm nhạc mùa Thu. Lễ hội đèn Quảng Chiếu bắt đầu từ Rằm tháng Giêng. Lễ hội âm nhạc chúc sức khỏe nhà Vua (thời Lý) diễn ra vào mùa Thu tại sông Tô Lịch và hồ Tây (nhánh của sông Hồng trước kia) với những màn hát chèo, múa hát, diễn rối nước.

Dọc hai bên sông Hồng nhiều lễ hội lớn diễn ra, trong đó có lễ hội đền Bạch Mã với nghi lễ rước nước độc đáo từ sông Hồng về. Ngày nay, nhiều lễ hội ven sông Hồng vẫn gìn giữ nghi lễ rước nước từ sông Hồng như: Lễ hội đền Và, đình Chèm, đình Tứ Liên, đình Đức Thắng...

Ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng ban Khánh tiết Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, chia sẻ: Đình Chèm ở địa thế đặc biệt so với các đình trong vùng, nằm sát sông Hồng, mặt quay ra hướng Bắc thể hiện chức năng trị thủy sông Hồng của Đức Thánh Chèm, tức Lý Ông Trọng.

Lễ hội Chèm có nghi lễ rước nước sông Hồng rất độc đáo. Đoàn thuyền rước nước xuống trước cửa đình nhưng khi rước lên thì lên tại bến Ngự cách đó hơn 1km, sau đó mới rước nước về đình. Nghi lễ rước nước được thực hiện ở ba vị trí khác nhau, từ vị trí khúc sông đình Chèm đến khu vực làng Hoàng Xá và Hoàng Liên. Nghi lễ rước nước của các lễ hội ven sông thể hiện sự gắn kết của đời sống văn hóa tinh thần người dân với dòng sông Hồng từ bao đời nay.

Dọc bờ sông Hồng còn xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay như: Làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm)... Đối với làng gốm Bát Tràng, sông Hồng là nhân chứng cho sự hình thành và phát triển của làng.

Nghi lễ rước nước của các lễ hội ven sông Hồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: Người Bát Tràng từ khi lập làng, cuộc sống và sinh hoạt luôn gắn liền với sông Hồng. Sông Hồng giúp người dân giao thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, nhờ đó kinh tế của người dân Bát Tràng phát triển hơn những vùng khác. Chính vì phát triển, trên bến, dưới thuyền mà khu làng cổ có đặc trưng là tường cao, ngõ nhỏ, bảo vệ làng xóm. Các lễ hội văn hóa của làng đều gắn với sông Hồng như tục rước nước, thả hoa đăng... Bát Tràng cũng là làng khoa bảng với có một trạng nguyên, 9 tiến sỹ và 364 vị tiên nho, tiên hiền được lưu danh.

Ngược lên phía trên, làng đào Nhật Tân những ngày này đang rợp lá xanh, chuẩn bị cho thời gian đảo cây. Anh Lê Hàm, người dân làng Nhật Tân yêu mến gọi là nghệ nhân đào thất thốn, luôn mang trong mình tình yêu với đào, với mảnh đất làng mình. Anh tâm sự cả làng đào Nhật Tân ai cũng hiểu rằng, nếu không có đất sông Hồng bồi đắp cả ngàn năm, nếu không có nguồn nước lấy từ sông Hồng sẽ không thể có làng đào Nhật Tân nổi tiếng như hôm nay.

Đào Nhật Tân còn gắn với giai thoại Vua Quang Trung sau khi thắng trận Ngọc Hồi-Đống Đa, áo bào còn vương mùi thuốc súng, đã sai người mang cành đào Nhật Tân về tặng Công chúa Ngọc Hân. Người Nhật Tân vẫn tự hào về đào và nhất định không thể chuyển nghề khác để giữ lấy sắc thắm hoa đào.

Dấu ấn về một dòng sông văn hóa, lịch sử không chỉ lưu danh bằng những câu chuyện kể, những trang sử mà còn một loạt các dấu tích còn hiện hữu hai bên bờ sông. Khơi nguồn, phát huy những giá trị đó, rất nhiều không gian văn hóa mới khu vực sông Hồng đang được hình thành và không bao lâu sẽ trở thành hiện thực, tiếp nối mạch chảy từ ngàn đời nay./.

Bài 2: Dệt nên diện mạo văn hóa mới

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục