Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu phản đối trừng phạt Nga

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu ra tuyên bố phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống các công ty và ngân hàng Nga không hề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngân hàng Gazprombank. (Nguồn: neftegaz.ru)

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) ngày 18/7 ra tuyên bố phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống các công ty và ngân hàng Nga không hề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuyên bố khẳng định rằng các công ty và ngân hàng này là những đối tác tin cậy, lâu năm đối với nhiều doanh nghiệp ở châu Âu. Lệnh trừng phạt mới nhằm vào các đối tác của châu Âu nhiều hơn là của Mỹ.

Eurocham cũng lấy làm tiếc rằng các lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu tại Nga.

Eurocham nhắc lại sự phản đối của mình trước các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, đồng thời kêu gọi tất cả các bên hạ nhiệt cuộc xung đột hiện nay. Hiệp hội này tin rằng việc gia tăng những biện pháp trừng phạt Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu, mà còn đến tăng trưởng kinh tế không chỉ của Nga mà cả Ukraine và EU.

Trước đó, ngày 16/7 chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt rộng nhất đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hàng loạt thể chế và lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, từ các công ty năng lượng tới các ngân hàng và các công ty quốc phòng.

Các công ty của Nga thuộc diện bị trừng phạt lần này gồm ngân hàng Gazprombank, công ty dầu lửa Rosneft Oil Co, công ty khí đốt Novatek, ngân hàng Vnesheconombank (VEB), công ty vận tải biển Feodosiya Enterprises… Một số chính khách Nga cũng nằm trong diện trừng phạt này của Mỹ như Phó chủ tịch Duma quốc gia, Bộ trưởng khu tự trị Crimea và một quan chức lãnh đạo của Cơ quan tình báo Nga (FSB)…

Cùng với Mỹ, EU cũng nhất trí siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó đáng chú ý là việc ngừng các khoản đầu tư mới vào Nga của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục