Nhật Bản thận trọng trước việc Mỹ và EU tăng trừng phạt Nga

Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, lập trường của nước này về vấn đề Ukraine là phối hợp với cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản thận trọng trước việc Mỹ và EU tăng trừng phạt Nga ảnh 1Tổng thống Mỹ Obama chính thức thông báo quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin AP, ngày 17/7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã thể hiện sự thận trọng với việc Mỹ và châu Âu hợp tác trừng phạt các công ty năng lượng, thể chế tài chính, nhà cung cấp vũ khí và 4 cá nhân của Nga.

Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Suga nói: "Chúng tôi đang theo dõi động thái của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Lập trường của chúng tôi về vấn đề Ukraine là phối hợp với cộng đồng quốc tế, vì vậy chúng tôi sẽ có những biện pháp thỏa đáng phù hợp với quan điểm này."

Trước đó, Nhật Bản đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng rất hạn chế. Tokyo đã hoãn các cuộc đàm phán song phương với Moskva về một số vấn đề, đồng thời áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 23 cá nhân Nga, song không công bố danh tính của những người này.

Giáo sư về khoa học chính trị James D. J. Brown thuộc Trường Đại học Temple của Nhật Bản cho rằng: "Nhật Bản thực sự đang báo hiệu cho phía Nga rằng Tokyo không thực thi đầy đủ việc trừng phạt (Moskva). Nhật Bản sẽ thực hiện nhưng muốn giữ một lập trường cân bằng". Ông còn tiết lộ dường như lệnh cấm nhập cảnh vào Nhật Bản không áp dụng đối với Chủ tịch Hạ viện Nga, ông Sergey Naryshkin, người đang bị Mỹ và EU trừng phạt sau khi Moskva sáp nhập Crimea.

Trong khi đó theo bà Valerie Niquet, nghiên cứu viên cao cấp làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tại Paris (Pháp), hiện Tokyo đang thận trọng trước việc Trung Quốc "hâm nóng" quan hệ với Nga. Bà nói: "Nhật Bản vẫn quan tâm tới việc xích lại gần Nga để tạo thế cân bằng với Trung Quốc". Được biết, các công ty Nhật Bản và Nga đang thúc đẩy các dự án hợp tác, trong đó có dự án xây dựng một cơ sở khí hóa lỏng tại Sakhalin để tăng khối lượng khí hóa lỏng chuyển tới Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.