Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khẳng định thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường.
Mở rộng trường sử dụng kết quả thi
Trao đổi với báo chí, giáo sư Nguyễn Văn Minh cho hay, tại buổi tọa đàm về công tác tuyển sinh của nhóm trường sư phạm mới đây, một số trường đã thống nhất sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm để xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023.
Cụ thể, các trường này gồm Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Khoa sư phạm thuộc Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Sư phạm thuộc Đại học Quy Nhơn. Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thống nhất với Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về việc công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau.
“Hiện Đại học Sư phạm Hà Nội đã hoàn tất đề án tuyển sinh năm 2023 và đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt,” giáo sư Nguyễn Văn Minh nói.
Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, thầy Minh cho biết điều kiện đăng ký dự thi là thí sinh có điểm tổng kết các học kỳ từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm khá trở lên ở bậc trung học phổ thông.
Đề thi sẽ gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. Trong đó, môn Toán và Ngữ văn thi trong 90 phút, các môn còn lại thi trong thời gian 60 phút. Đề thi gồm hai phần tự luận và trắc nghiệm, trong đó 70% là thi trắc nghiệm, 30% thi tự luận. Riêng môn Ngữ văn sẽ có cấu trúc ngược lại với 30% thi trắc nghiệm và 70% thi tự luận.
Theo thầy Minh, với cách tổ chức thi như trên, không chỉ khối trường sư phạm mà các trường ngoài sư phạm cũng hoàn toàn có thể sử dụng điểm kỳ thi này để tuyển sinh. “Ví dụ các trường tuyển khối B có thể sử dụng điểm thi các môn Toán, Lý, Hóa để xét tuyển,” thầy Minh nói.
Không gây xáo trộn cho thí sinh
Thông tin kỹ hơn về kỳ thi đánh giá năng lực và tuyển sinh năm 2023, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm khẳng định trường sẽ thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo thuận lợi nhất và không gây xáo trộn cho thí sinh.
Cụ thể, trường dự định kỳ thi sẽ được tổ chức thành nhiều đợt và có thể tổ chức ở cả các tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội, nhằm giảm bớt việc phải di chuyển của thí sinh. Đồng thời, thí sinh cũng có thể đăng ký thi nhiều đợt để cải thiện điểm số.
“Chúng tôi sắp xếp thời gian thi rất gọn. Nếu thí sinh thi ba môn thì có thể thi trong một ngày, không kéo sang ngày thứ hai. Ví dụ sáng thi Toán, Tiếng Anh hoặc Toán và Vật lý, chiều có thể thi thêm môn khác. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho thí sinh,” thầy Minh cho hay.
[Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh 70% chỉ tiêu theo đề án riêng]
Về nội dung, đề thi được xây dựng trên chương trình bậc trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản để có thể làm tốt bài thi, không học lệch, học tủ. Theo đó, giáo sư Nguyễn Văn Minh khuyên thí sinh không nên đi học thêm, không cần luyện thi.
Về chỉ tiêu xét tuyển, thầy Minh cho biết chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký dự thi…
“Trường dự kiến khoảng 15%, tối đa không quá 30% chỉ tiêu cho phương thức này để đảm bảo không gây xáo trộn cho thí sinh. Năm 2023, Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là phương thức tuyển sinh chính, với tỷ lệ chỉ tiêu cao nhất, tiếp đó là phương thức xét tuyển thẳng với các thí sinh có giải các kỳ thi quốc gia, quốc tế, thí sinh các trường trung học phổ thông chuyên,” thầy Minh thông tin thêm./.