Hiroshima - Sức sống mãnh liệt từ đống tro tàn hạt nhân

Hiroshima - Sức sống mãnh liệt từ đống tro tàn của bom nguyên tử

Rất nhiều khách du lịch chọn Hiroshima để có thể tìm hiểu, sẻ chia về những mất mát mà người dân nơi đây đã phải hứng chịu, cũng như tận mắt chứng kiến tinh thần vươn lên không ngừng của người Nhật.
Hiroshima - Sức sống mãnh liệt từ đống tro tàn của bom nguyên tử ảnh 1Người dân Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử tại Công viên Hòa bình ở Hiroshima ngày 5/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cách đây 70 năm, ngày 6/8/1945, thành phố Hiroshima của Nhật Bản đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới chịu sự tấn công của bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Quả bom đó đã biến thành phố cảng sôi động này trở thành một “thành phố chết.”

Thành phố Hiroshima cách thủ đô Tokyo khoảng 700km về phía Tây và là thành phố lớn nhất ở vùng Chugoku và Shikoku, với khoảng hơn 1 triệu dân. Thành phố thơ mộng Hiroshima nằm giữa các ngọn núi phủ đầy cây xanh và biển nội hải Seto ngoạn mục.

Thành phố là sự hòa trộn hài hòa đầy ấn tượng của màu xanh núi rừng và 6 dòng sông nên thơ với 100 chiếc cầu bắc qua, càng làm cho Hiroshima như một chốn thần tiên. Không chỉ sở hữu những phong cảnh hữu tình, Hiroshima còn là thành phố công nghiệp, thành phố cảng và đặc biệt là thành phố quân sự của Nhật Bản trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Năm 1889, Hiroshima là nơi chứng kiến chủ nghĩa phong kiến Nhật Bản bị xóa bỏ và thay vào đó bằng sự phục hồi của triều đại Minh Trị. Thành phố này cũng là điểm xuất phát cuộc chiến tranh Trung Quốc-Nhật Bản năm 1894 và cuộc chiến tranh Nga-Nhật Bản kéo dài từ năm 1904 đến năm 1905.

Sau những sự kiện này, vô hình chung Hiroshima trở thành một căn cứ quân sự quan trọng của Nhật Bản và cũng chính vì vậy, Hiroshima đã thành mục tiêu đánh bom nguyên tử của không quân Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Người dân Nhật Bản nói chung và người dân Hiroshima nói riêng có lẽ sẽ không bao giờ quên cái ngày khủng khiếp 6/8/1945, khi lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quả bom nguyên tử rơi xuống đầu họ đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người vô tội. Thành phố bị phá hủy và vẫn còn để lại những di chứng đau đớn cho con người về cả thể xác lẫn tinh thần đến tận ngày hôm nay.

Hiroshima - Sức sống mãnh liệt từ đống tro tàn của bom nguyên tử ảnh 2Đám khói bốc lên khi bom nguyên tử đánh xuống Hiroshima được quân đội Mỹ chụp lại ngày 6/8/1945. (Nguồn: EPA )

Vươn lên mạnh mẽ từ đống tro tàn

Với sức sống mãnh liệt của người dân Hiroshima, từ đống tro tàn đổ nát và chết chóc, đã mọc lên một thành phố mới, khao khát hòa bình và không ngừng phát triển.

Sau Chiến tranh, thành phố Hiroshima phát triển thành một trung tâm hành chính lớn trong khu vực Chugoku và Shikoku. Nền kinh tế của Hiroshima phát triển mạnh, nhiều loại hình doanh nghiệp như giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thủy sản không ngừng gia tăng.

Các ngành công nghiệp hiện đại như luyện kim, cơ khí, chế tạo máy, hóa chất, điện tử... liên tiếp được thành lập, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, nạn thất nghiệp giảm dần. Dân số tăng lên và đến nay là khoảng 1,2 triệu người. Các khu phố buôn bán nhộn nhịp, tấp nập suốt ngày đêm.

Không những vậy, Hiroshima còn trở thành một điểm du lịch lịch sử nổi tiếng thế giới. Rất nhiều khách du lịch chọn Hiroshima để có thể tìm hiểu, sẻ chia về những mất mát mà người dân nơi đây đã phải hứng chịu, cũng như tận mắt chứng kiến tinh thần vươn lên không ngừng của người Nhật.

Trong danh sách những điểm du lịch thu hút khách nước ngoài nhất ở đất nước Mặt Trời mọc do trang TripAdvisor điều tra, Viện bảo tàng tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima và Mái vòm bom nguyên tử luôn chiếm những vị trí đầu tiên. Viện bảo tàng tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima, thường gọi là Bảo tàng bom nguyên tử, được xây dựng vào tháng 8/1955.

Đến với bảo tàng, du khách sẽ được xem lại những hình ảnh kinh hoàng về sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử. Những khung cảnh, những thước phim tư liệu, những hiện vật sống động liên quan đến vụ ném bom đầy sự ám ảnh.

Tuy là nơi trưng bày những hình ảnh về chiến tranh, nhưng mục đích của những người thành lập và quản lý bảo tàng là muốn dùng những hình ảnh chân thực này để phản đối vũ khí hạt nhân và kêu gọi hòa bình cho thế giới.

Mái vòm bom nguyên tử (Atomic Bomb Dome) là một trong những công trình còn sót lại trong vụ ném bom. Từ đây đi bộ dọc theo dòng sông Ota là đến Công viên Tưởng niệm Hòa bình. Du khách sẽ bắt gặp đài Tưởng niệm Hòa bình Quốc gia Hiroshima, nơi dành cho các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử.

Hiroshima còn thu hút khách du lịch bởi những người dân địa phương hiền hòa. Ký ức của những người sống sót và những ám ảnh mà họ phải trải qua trong suốt cả cuộc đời luôn là câu chuyện khiến nhiều du khách sửng sốt và thấu hiểu hơn những vết sẹo mà chiến tranh, xung đột có thể để lại. Chính người dân Nhật Bản cũng coi Hiroshima là điểm đến mà thế hệ trẻ của nước Nhật nên đến để có được những hiểu biết chân thực mà đồng bào của họ đã phải trải qua trong quá khứ.


Khát vọng hòa bình và một thế giới không có hạt nhân

Tuyên bố Hòa bình Hiroshima được Thị trưởng thành phố Kazumi Matsui, đọc vào sáng 6/8 khẳng định bom nguyên tử là “thứ hoàn toàn xấu xa, vô nhân đạo và cần phải bị loại bỏ,” đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy con đường đến một nền hòa bình thực sự được quy định bởi chủ nghĩa hòa bình trong Hiến pháp Nhật Bản.

Hiroshima - Sức sống mãnh liệt từ đống tro tàn của bom nguyên tử ảnh 3Thành phố Hiroshima của Nhật Bản ngày nay. (Nguồn: japan-guide.com)

Hiroshima cũng cam kết sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy xu thế toàn cầu hướng tới việc khởi động các cuộc đàm phán tìm kiếm hiệp ước chống vũ khí hạt nhân; đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện “tình yêu con người” và tìm cách tạo dựng các cơ chế an ninh trên cơ sở thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau thông qua đối thoại mà không dựa vào sức mạnh quân sự.

Trả lời phóng viên VietnamPlus nhân sự kiện 70 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cho rằng “một thế giới không có hạt nhân” là lý tưởng của nhân loại.

Ông cho biết hầu như năm nào Nhật Bản cũng đưa ra đề nghị với Liên hợp quốc ra nghị quyết tán thành sáng kiến xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân và nếu đạt được điều đó, thế giới này sẽ trở nên an ninh và an toàn hơn.

Nguyên Đại sứ Sakaba khẳng định: “Để thực hiện được điều này, chúng ta cần hướng đến các cơ chế đa phương bao gồm các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới hiện nay, không chỉ Mỹ mà cả Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Những nước sở hữu vũ khí hạt nhân hiện nay vẫn coi sự tồn tại của vũ khí hạt nhân là tiền đề quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của họ.”

Theo ông, nếu như các nước sở hữu vũ khí hạt nhân muốn sử dụng sức mạnh hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia và không thấu hiểu được khát vọng của nhân loại về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, lý tưởng đó sẽ không bao giờ thực hiện được.

70 năm đã trôi qua, Nhật Bản nói chung, hai thành phố Hiroshima và Nagasaki nói riêng, bằng một ý chí quật cường và nghị lực phi thường, đã vươn lên xây dựng và phát triển mạnh mẽ khẳng định vai trò quan trọng của mình trên bản đồ kinh tế, chính trị của đất nước Mặt Trời mọc.

Song những cái tên Hiroshima, Nagasaki vẫn luôn nhắc nhở thế giới về sự tàn khốc, về cái giá mà người dân vô tội phải trả trong cuộc chiến sử dụng vũ khí nguyên tử. Rõ ràng, chính người dân Hiroshima và Nagasaki là những người thấu hiểu hơn bao giờ hết sự tàn khốc của vũ khí nguyên tử và hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Niềm khát khao về một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân vẫn luôn cháy bỏng trong tâm trí những người còn sống đồng thời cũng là mục tiêu tranh đấu không ngừng nghỉ của toàn thể nhân loại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.