Bài 1: Hành trình của tấm giấy thông hành đặc biệt nhất thế giới

Hộ chiếu vaccine: 'Chìa khóa vàng' mở cánh cửa phục hồi kinh tế

Nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa lại đường biên cho du khách tiêm đầy đủ vaccine, với kỳ vọng sẽ sớm vực dậy nền kinh tế. Và "chìa khóa" của quyết định này chính là tấm hộ chiếu vaccine.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang là giải pháp được áp dụng trên toàn thế giới để sớm phục hồi lại mọi hoạt động kinh tế-xã hội. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Để sớm khôi phục lại “đường ray” kinh tế đang liêu xiêu vì đại dịch COVID-19, hộ chiếu vaccine được coi là chiếc “chìa khóa vàng”.

Đây cũng chính là bài toán được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện và đã thành công hay chí ít, cũng là quyết định đúng đắn sau thời gian dài phải oằn mình chống đỡ “cơn đại hồng thủy” mang tên COVID-19 khiến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội bị gián đoạn, doanh nghiệp kiệt quệ…

Theo thông báo mới nhất của Nhà Trắng ngày 15/10, Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 từ ngày 8/11. Đây được coi là động thái tích cực, chấm dứt lệnh cấm đi lại kéo dài hơn 18 tháng qua mà Mỹ áp dụng với nhiều quốc gia trên thế giới.

[Hồi phục du lịch nội địa hậu COVID-19: Cần tháo gỡ nhiều ‘nút thắt’]

Trước đó, một số nước châu Âu cũng đã sớm có quyết định mở cửa lại biên giới cho du khách tiêm đầy đủ vaccine, mang đến một diện mạo nhộn nhịp với hình ảnh các đường phố tấp nập du khách…

Ngay sát Việt Nam, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore cũng đã có thông báo chính thức việc mở cửa dần đối với các du khách quốc tế.

Một điểm tựu chung cho mọi quyết định của các chính phủ, đó chính là hộ chiếu vaccine - tấm giấy thông hành mở cánh cửa đến mọi miền trên thế giới.

Tại Việt Nam, hộ chiếu vaccine cũng đã được Chính phủ sớm xúc tiến và giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Giao thông Vận tải, Du lịch, các địa phương… phối hợp triển khai để có thể sớm áp dụng.

Hành khách làm thủ tục tại quầy của United Airlines tại sân bay ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vậy thực tế, tiến độ thực hiện của tấm giấy thông hành có tính liên thông quốc tế này đã và đang triển khai tới đâu? Hộ chiếu vaccine có những tiêu chí cụ thể ra sao để tạo thuận lợi cho du khách khi đến Việt Nam cũng như đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch…?

Báo điện tử Vietnamplus xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Hộ chiếu vaccine: 'Chìa khóa vàng' mở cánh cửa phục hồi kinh tế” nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn chương trình hộ chiếu vaccine cũng như tiến trình mở cửa các hoạt động của nền kinh tế nước nhà.

Bài 1: Hành trình của tấm giấy thông hành đặc biệt nhất thế giới

Có thể hiểu hộ chiếu vaccine là một chứng chỉ dưới dạng giấy hoặc kỹ thuật số, cho biết tình trạng tiêm ngừa COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm COVID-19 của mỗi cá nhân để có thể di chuyển giữa các quốc gia có sự thừa nhận lẫn nhau.

Thực tế, đây không phải là ý tưởng mới, bởi nó đã xuất hiện từ gần 150 năm trước, trong bối cảnh đặc biệt của lịch sử dịch tễ thế giới.

Nhưng phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, khi virus SARS-COV-2 gieo rắc cái chết khắp nơi và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với con người, khái niệm này mới trở nên phổ biến.

Lịch sử tấm hộ chiếu đặc biệt

Ngay từ những năm 1880, khi bệnh đậu mùa xuất hiện, học sinh và giáo viên tại Mỹ đã được yêu cầu nộp bằng chứng về việc chích ngừa bệnh đậu mùa trước khi tham gia các lớp học.

Đến năm 1897, khi nhà khoa học người Nga Waldemar Haffkine phát triển thành công loại vaccine chống lại bệnh dịch hạch, ngay lập tức phương pháp này được thực dân Anh ở Ấn Độ ứng dụng.

Hộ chiếu vaccine chứng minh một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: The Regulatory Review)

Để đảm bảo dịch bệnh không bùng phát tại các điểm hành hương của người theo đạo Hindu và đạo Hồi vốn chiếm số đông ở Ấn Độ, chính phủ bấy giờ đã yêu cầu người dân phải tiêm phòng vaccine và mang theo bằng chứng trước khi vào các địa điểm hành hương.

Ở nửa sau thế kỷ 20, khi giao thông hàng không phát triển, hộ chiếu vaccine càng trở thành vấn đề cấp thiết. Trước khi lên máy bay, hành khách phải chứng nhận đã tiêm chủng một loại bệnh tương ứng thời điểm. Nếu phát hiện nghi nhiễm, hành khách đó sẽ bị cách ly bắt buộc.

Đặc biệt, kể từ khi vaccine COVID-19 ra đời vào cuối năm 2020, ý tưởng về một loại giấy tờ được một quốc gia hay một tổ chức quốc tế xác nhận công dân mang giấy tờ đó đã tiêm vaccine càng trở nên cấp bách.

[Hậu COVID-19: Thẻ thông hành xanh đồng hành cùng du lịch cách nào?]

Hiện khái niệm về loại giấy tờ cần thiết cho thông hành an toàn này chưa được thống nhất trên toàn thế giới và có nhiều tên gọi khác nhau như: Hộ chiếu vaccine, Chứng nhận vaccine hay Hộ chiếu COVID-19, Tem du lịch an toàn..., với hình thức và quy trình áp dụng khác nhau.

Để triển khai chương trình hộ chiếu vaccine, hành khách cần truy cập vào hệ thống đăng ký của một quốc gia về xác nhận y tế phòng dịch, tiếp cận phương thức an toàn của quốc gia đó nhằm xác định rằng họ có đủ điều kiện về y tế cho việc đi lại.

Một quốc gia chấp nhận hình thức chứng nhận điện tử tại cửa khẩu cần được các quốc gia khác công nhận hoặc được các quốc gia trong khu vực công nhận theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cũng như chứng nhận đó phải tuân thủ tiêu chuẩn chung do các tổ chức như WHO (Tổ chức Y tế thế giới) hoặc EU (Liên minh châu Âu) đặt ra.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Trên thế giới hiện nay, để đối phó với đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã lựa chọn giải pháp hộ chiếu vaccine và hầu hết được xuất trình dưới hình thức một mã QR hoặc chứng thực tương tự được gửi đến điện thoại thông minh của công dân.

Tuy nhiên, để giảm thiểu phân biệt với những người chưa hoặc chưa thể được tiêm chủng, một số hộ chiếu vaccine có kèm theo tiện ích xét nghiệm và/hoặc xác nhận hồi phục sau khi nhiễm COVID-19. Trong trường hợp công dân không có điện thoại thông minh, cơ quan chức năng cho phép thay thế thẻ thông hành điện tử bằng thẻ thông hành giấy.

Các nước mở cửa cho hộ chiếu vaccine

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã ban hành “Safe Travels stamp” (Tem Du lịch an toàn) trong nỗ lực công nhận điểm đến an toàn trên khắp thế giới từ năm 2020.

Đến tháng 9/2021, hơn 400 điểm đến trên khắp thế giới từ Bồ Đào Nha đến Puerto Rico, Sri Lanka, Slovenia, Tunisia, Thái Lan... đã sử dụng chứng nhận này. WTTC đánh giá việc một tiêu chuẩn chung được chấp nhận rộng rãi là tin vui đối với ngành du lịch toàn cầu.

Quy trình cấp “Tem Du lịch an toàn” của WTTC được thiết kế theo hướng dẫn cập nhật của WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và kinh nghiệm từ các thành viên của WTTC. Mục đích là giúp khôi phục niềm tin của du khách, góp phần hồi sinh nền kinh tế xanh toàn cầu đã bị đại dịch COVID-19 tàn phá tan hoang.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã tham gia chương trình “Tem Du lịch an toàn” này. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều quốc gia cũng bắt đầu cho phép công dân dùng hộ chiếu vaccine để du lịch và sử dụng cho các hoạt động khác trong nước.

Hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine do Tổng cục Du lịch nghiên cứu và xây dựng. (Ảnh: TCDL)

Đáng nói là nhiều thành viên EU thậm chí đã miễn kiểm dịch cho những người đến từ gần 20 quốc gia thuộc “danh sách an toàn” nếu họ có xét nghiệm COVID-19 âm tính, ngay cả khi chưa hoàn thành việc tiêm chủng.

Với một nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch, từ ngày 1/11/2021, Thái Lan sẽ chấm dứt yêu cầu kiểm dịch COVID-19 với những du khách đã tiêm vaccine từ 10 quốc gia có nguy cơ thấp. Danh sách du khách đủ điều kiện được miễn cách ly sẽ được mở rộng từ tháng 12.

Đây được coi là một quyết định đúng đắn, bởi năm 2020, Thái Lan đã phải chịu thiệt hại to lớn trong lĩnh vực du lịch khi doanh thu giảm tới 82% (tương ứng mất 50 tỷ USD) do các yêu cầu nhập cảnh nghiêm ngặt đã hạn chế du khách quốc tế.

Là quốc gia tiên phong mở cửa du lịch, Thái Lan đã thí điểm mô hình du lịch hộp cát ở “thiên đường” Phuket từ ngày 1/7, sau khi chính quyền đã chủng ngừa cho hầu hết người dân địa phương. Tuy nhiên, thí điểm sau đó phá sản do dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Đến nay, Thái Lan đã tiêm chủng cho 32,5% trên tổng số 72 triệu dân. Tại Bangkok và một số nơi khác, hạn chế về giãn cách xã hội đã được nới lỏng khi các ca mắc trong cộng đồng giảm. Trước những tín hiệu lạc quan này, Tổng Cục Du lịch Thái Lan cho rằng dù dự kiến năm nay chỉ có thể đón khoảng 100.000 khách ngoại thì đó vẫn sẽ là hy vọng cho tương lai phục hồi của “xứ sở chùa vàng.”

Là quốc gia nhanh nhạy trong việc sáng tạo các sản phẩm du lịch ngay trong mùa dịch bệnh, sau khi phải dừng triển khai chương trình “hộp cát Phuket,” dự kiến vào tháng 11, nhiều điểm du lịch thu hút đông khách của Thái Lan như Thủ đô Bangkok, một số quận của tỉnh Chiang Mai, quận Hua-Hin của tỉnh Prachuap Khiri Khan, quận Cha-Am của tỉnh Phetchaburi, quận Pattaya, Sattahip và Bang La-mung của tỉnh Chọn Buri sẽ mở cửa đón khách trở lại. Mô hình sẽ tương tự như “hộp cát Phuket.”

Theo đó, du khách tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính sẽ di chuyển tự do 7 ngày trong địa phận, trước khi tiếp tục được phép đi đến các nơi khác tại Thái Lan.

Tái hiện hình ảnh lượng y bác sỹ tuyến đầu chống dịch trên đường phố Việt Nam. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tương tự, các quốc gia xung quanh như Indonesia, Malaysia hay Singapore cũng đã có những kế hoạch mở cửa rộng hơn cho du khashc quốc tế, sau hàng loạt chương trình thí diểm “bong bóng du lịch” tại một số địa điểm nổi tiếng, vốn được coi là “thiên đường” của du khách như Bali, Langkawi…

Việt Nam cần những quy định linh hoạt

Về bản chất, hộ chiếu vaccine chính là giấy chứng nhận tiêm chủng. Thực tế thế giới cũng đang áp dụng “lá bài” này cho những người đến châu Phi, nơi có bệnh sốt vàng lưu hành. Họ buộc phải tiêm vaccine trước khi đi và cần có giấy chứng nhận đã được tiêm vaccine nếu muốn qua cửa khẩu.

Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế), việc xem xét công nhận hộ chiếu vaccine COVID-19 giữa Việt Nam và các nước có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình mở cửa lại bầu trời.

“Quốc tế hóa hộ chiếu này vừa tạo điều kiện cho người dân giữa các quốc gia, giữa các vùng đi lại thuận tiện, vừa tạo điều kiện khôi phục phát triển kinh tế, thương mại, du lịch của các nước, tất nhiên phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm phòng bệnh COVID-19 cả người đi đến cũng như người dân nước sở tại,” ông Phu nhấn mạnh.

Vị cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế) phân tích những người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, nhưng vẫn có thể bị nhiễm và có thể lây bệnh cho người khác. Nếu lây cho người ở vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì có thể gây bùng phát dịch tại nơi đó. Tuy nhiên, quan trọng hơn là những người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ ít có nguy cơ chuyển nặng và tử vong nếu nhiễm bệnh.

Vì vậy, theo vị chuyên gia này, Việt Nam không cần phải đợi đến khi tiêm vaccine bao phủ hết cho người trưởng thành trên phạm vi cả nước mới tính đến việc mở cửa thông qua áp dụng hộ chiếu vaccine.

Theo chuyên gia y tế, Việt Nam không cần tiêm vaccine bao phủ hết cho người trưởng thành mới tính đến việc mở cửa thông qua áp dụng hộ chiếu vaccine.(Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

“Đơn cử, những nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc... mà bao phủ đủ hai mũi vaccine cho toàn bộ người trên 18 tuổi; trong đó có việc tiêm chủng cho người già, người có bệnh nền đạt tỷ lệ cao thì có thể áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine. Bởi khi đó, nếu người nhập cảnh đến các nơi này, có lây nhiễm bệnh cũng không còn gây nguy hiểm cho cộng đồng,” ông Phu cho hay.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý việc công nhận hộ chiếu vaccine giữa Việt Nam và các nước cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau như: Loại vaccine nào sẽ được công nhận; số mũi tiêm; khoảng cách tiêm giữa mũi cuối đến khi nhập cảnh; thời hạn của hộ chiếu vaccine là bao lâu; quy định về xét nghiệm thế nào, có phải cách ly không, nếu có thì hình thức cách ly ra sao...

Hiện Việt Nam đang áp dụng cách ly tập trung 7 ngày với người nhập cảnh có hộ chiếu vaccine. Nhưng khi xem xét công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia, khu vực khác thì có thể xem xét điều chỉnh quy định này để phù hợp giữa các bên trên cơ sở căn cứ vào điểm mà khách nhập cảnh đến.

Ông Phu cũng đề xuất nên xem xét công nhận hộ chiếu vaccine với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới/cơ quan dược phẩm có uy tín/các nước phát triển phê duyệt hoặc dựa vào thỏa thuận của hai quốc gia…
Rõ ràng, muốn đạt được thỏa thuận chung cần một bộ tiêu chí thống nhất được thừa nhận giữa các bên với những quy chuẩn linh hoạt, phù hợp diễn biến tình dịch bệnh./.

Bài 2: Việt Nam cần thắng trong cuộc “chạy đua” mở cửa an toàn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục