Ngày 13/3, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Thế Toản cho hay theo thống kê, Việt Nam có khoảng 5.000 mỏ khoáng sản quy mô khác nhau đang hoạt động, tuy nhiên quá trình khai thác, sử dụng vẫn chưa hiệu quả, đã gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân là bởi hệ thống pháp luật vẫn có những điểm chưa phù hợp, hệ thống giám sát, kiểm tra chưa chặt chẽ.
Thực tế trên đòi hỏi luật cần phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục bất cập trên thực tế; tiếp cận phương pháp quản trị hiện đại của các nước và phù hợp các điều ước, cam kết quốc tế.
Bổ sung nhiều nhóm vấn đề quan trọng
Thông tin thêm, tại Hội thảo Quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức ngày 13/3, ông Toản cho biết Việt Nam đã trải qua 3 “thế hệ” luật được Quốc hội thông qua vào các năm 1989, 1996, 2010.
Năm 2024: Hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản, đánh giá trữ lượng cát biển
Năm 2024, các đơn vị địa chất, khoáng sản sẽ hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội xem xét thông qua đồng thời đánh giá trữ lượng cát biển để khai thác phục vụ phát triển.
Theo ông Toản, nhiều chính sách của các luật trước đây vẫn còn nguyên giá trị, nhưng do bối cảnh thay đổi nên cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.
Với tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản rất công phu, với 12 chương và 117 điều.
Trong đó dự án luật đã đề cập đến có một số điểm mới quan trọng, nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng.
Dự thảo luật cũng đề xuất phương án công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; bổ sung chế biến khoáng sản...
Để bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đại diện lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo này, các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm quốc tế về công tác xây dựng luật, các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về khoáng sản.
Trong đó có hơn 10 nhóm vấn đề cần trao đổi kinh nghiệm các nước gồm: Cách tính và áp dụng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; ước tính tài nguyên và trữ lượng khoáng sản, các khoáng sản đi kèm.
Ngoài ra, một số nhóm vấn đề khác cũng cần được các chuyên gia, đại biểu quốc tế góp ý như về thăm dò khoáng sản ở các khu vực hạn chế; cung cấp thông tin về thăm dò, khai thác; cấp giấy phép khai thác; những thách thức của đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ ở các khu vực pháp lý khác nhau...
Tăng năng lực quản trị tài nguyên khoáng sản
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho hay tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng lưu ý Hội thảo Quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Australia vừa nâng cấp quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Do vậy hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, qua đó góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, trong hơn 50 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng thể chế, chính sách khoáng sản. Đơn cử năm 1996, Australia đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản và luật này đã được áp dụng thành công trong suốt hàng chục năm qua tại Việt Nam.
Theo Đại sứ Andrew Goledzinowski, các công ty khai khoáng thường phải giải quyết nhiều vấn đề rủi ro nhất là rủi ro trong môi trường pháp lý. Do vậy để thu hút nhà đầu tư, Việt Nam cần hướng tới môi trường cạnh tranh nhiều hơn, nhất là cạnh tranh liên quan đến khung thuế và phí.
“Thời gian tới, Australia sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực quản trị tài nguyên khoáng sản cũng như hoàn thiện thể chế chính sách nhất là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu,” Đại sứ Andrew Goledzinowski nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các nước cũng trao đổi một số vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư và hoạt động khoáng sản tại Việt Nam thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xây dựng luật, các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về khoáng sản để bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản./.