Theo Đài RFI, Reuters, The Guardian, Fortune, 5 năm sau vụ rò rỉ hồ sơ Panama gây rúng động thế giới hồi năm 2016, Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã tiếp tục mở chiến dịch tấn công lớn hơn nhằm phanh phui các “thiên đường thuế” và phát giác nhiều nhà lãnh đạo các nước đã lưu giữ tài sản tại các công ty bình phong ở hải ngoại để trốn thuế.
Cuộc điều tra của ICIJ lần này mang tên gọi Hồ sơ Pandora, được công bố ngày 3/10/2021. Khoảng 600 nhà báo ở 117 quốc gia đã thu thập khoảng 11,9 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính và phanh phui 29.000 công ty bình phong ở các “thiên đường thuế.”
Những tên tuổi "quen thuộc"
Trong số các nhân vật bị cáo giác, có không ít các chính khách, lãnh đạo nổi tiếng như Quốc vương Abdullah II của Jordan, Thủ tướng Czech Andrej Babis và các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đáng chú ý, trong danh sách có một số nhà lãnh đạo lâu nay vốn nổi tiếng với quyết tâm chống tham nhũng ở trong nước. Đó là trường hợp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Phóng viên Stéphane Shiohan tại Kiev tường trình: “Năm 2019, ông Volodymyr Zelensky đắc cử Tổng thống sau khi tham gia loạt phim truyền hình ‘Người đầy tớ của nhân dân’ với vai diễn một Tổng thống tưởng tượng, không thể bị thoái hóa, biến chất, đấu tranh chống lại giới tài phiệt và các thế lực của đồng tiền.”
Tuy nhiên, trên cơ sở điều tra Hồ sơ Pandora, các nhà báo của Slidstvo Info, một cơ quan truyền thông chuyên về điều tra của Ukraine, đã chứng minh là trong nhiều năm, ông Zelensky và bạn bè của ông ở công ty sản xuất chương trình nghe nhìn Kvartal 95 đã cất giấu tài sản ở hơn 10 công ty bình phong tại đảo CH Cyprus, Belize hay ở quần đảo Virgin thuộc Anh.
Cuộc điều tra cho thấy nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky đã chuyển hơn 40 triệu USD tiền mua các chương trình của ông Zelensky và số tiền này đã không bị đánh thuế ở Ukraine.
Theo bà Anna Babinets, Tổng Biên tập Slidstvo Info, những phát hiện này đã ảnh hưởng đến hình ảnh mà Tổng thống đang muốn gây dựng. Trong khi đó, khu vực bên ngoài Ukraine, nhất là trong các khu phố sang trọng tại thủ đô London (Anh), vốn là nơi các đối tác làm ăn của ông Zelensky đã mua các căn hộ xa hoa.
[Hồ sơ Pandora - quả bom mới đối với thế giới tài chính ngầm]
Bản thân việc thành lập hay thu lợi từ các thực thể ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp và trong một số trường hợp, mọi người có thể có lý do chính đáng, chẳng hạn như an ninh, để làm như vậy. Tuy nhiên, khả năng giữ bí mật mà các “thiên đường thuế” mang lại đôi khi là điểm hấp dẫn đối với những người muốn trốn thuế, gian lận và rửa tiền, một vài trong số đó đã bị lộ tẩy trong Hồ sơ Pandora.
Các cá nhân và các công ty giàu có cất giữ tài sản của họ ở nước ngoài để tránh phải nộp thuế ở nơi khác, khiến các chính phủ ước tính thất thu tới hàng tỷ USD. Trong số này phải kể đến Quốc vương Abdullah II, người mà theo tài liệu bị rò rỉ đã tích lũy được một "đế chế" bất động sản bí mật trị giá 100 triệu USD trải dài khắp Malibu, Washington và London.
Quốc vương Jordan từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể, nhưng nói rằng không có gì sai khi ông sở hữu các tài sản thông qua các công ty nước ngoài. Jordan dường như đã chặn trang web ICIJ vào ngày 3/10, vài giờ trước khi Hồ sơ Pandora được công bố.
Trong khi đó, Hồ sơ Pandora cũng đe dọa sẽ gây ra những xáo trộn chính trị cho hai nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Cộng hòa Czech, Andrej Babis, người sẽ tranh cử trong tuần này, đang phải đối mặt với những câu hỏi tại sao ông lại thông qua một công ty đầu tư ở nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền Nam nước Pháp.
Và tại Cộng hòa Cyprus, vốn cũng là một trung tâm tài chính gây tranh cãi, Tổng thống Nicos Anastasiades có thể sẽ được yêu cầu giải thích lý do tại sao một công ty luật do ông thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản cho một tỷ phú Nga bằng cách dựng nên các chủ sở hữu công ty giả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà Mỹ nghi ngờ có tài sản bí mật, không có tên trong Hồ sơ Pandora. Tuy nhiên, nhiều cộng sự thân cận của ông có tên trong hồ sơ này, bao gồm cả người bạn thân nhất của ông từ thời thơ ấu là Petr Kolbin - người mà các nhà phê bình gọi là “ví tiền” của Putin - và một người phụ nữ mà nhà lãnh đạo Nga được cho là đã từng có quan hệ tình cảm.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người có tên trong Hồ sơ Pandora đều bị cáo buộc có hành vi sai trái. Các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và phu nhân là Cherie Blair đã tiết kiệm được 312.000 bảng Anh tiền thuế bất động sản khi họ mua một tòa nhà ở London vốn có một phần thuộc sở hữu của gia đình một Bộ trưởng nổi tiếng người Bahrain.
Vợ chồng cựu Thủ tướng Anh đã mua tòa nhà trị giá 6,5 triệu bảng Anh ở khu phố Marylebone bằng cách mua lại của một công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Mặc dù động thái này không phải là bất hợp pháp và không có bằng chứng cho thấy gia đình cựu Thủ tướng Blair chủ động tìm cách trốn thuế bất động sản, nhưng điều đó đã cho thấy rõ một lỗ hổng khiến các chủ sở hữu bất động sản giàu có không phải trả một khoản thuế mà những người dân Anh bình thường đều phải trả.
Muốn trốn thuế, trước tiên cần phải giàu có
Sau khi những thông tin gây sốc được công bố, tạp chí Fortune đã đăng tải một bài phân tích với câu mở đầu: “Nếu bạn muốn che giấu khối tài sản của mình trước các cơ quan thuế, trước tiên hãy trở nên giàu có, vô cùng giàu có.”
Theo bài viết, 11,9 triệu tài liệu được công bố đã cho thấy danh sách dài gần như vô tận các hành vi né thuế tràn lan của một số người giàu nhất và quyền lực nhất thế giới. Lần lượt các bút toán kế toán, hình ảnh và thư điện tử tiết lộ cách các tỷ phú, Tổng thống, Thủ tướng, thành viên hoàng gia hay hàng trăm chính trị gia che giấu tài sản của mình trước cơ quan thuế, thông qua việc sử dụng các công ty ma và quỹ tín thác ở các thiên đường thuế nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả những giao dịch này đều có sự trợ giúp của các công ty luật và tư vấn tài chính, tất nhiên ở một mức giá rất cao.
Alex Cobham, Giám đốc điều hành của Tax Justice Network, một tổ chức phi chính phủ ở London, nhận định: “Đối với các công ty dịch vụ chuyên nghiệp, mọi quy định của pháp luật dường như chỉ là một trở ngại và họ có thể vượt qua.” Theo Giám đốc này, những công ty này có nhiều cách khác nhau để gian lận.
2,9 terabyte dữ liệu bị rò rỉ từ 14 tổ chức tài chính sau đó được chia sẻ với 600 hãng truyền thông ở 117 quốc gia, bao gồm The Washington Post, The Guardian và Le Monde của Pháp.
Đối với ICIJ, Hồ sơ Pandora được coi là là vụ rò rỉ tài liệu lớn thứ tư kể từ sự kiện LuxLeaks hồi năm 2014. LuxLeaks là vụ bê bối liên quan đến việc công ty dịch vụ tài chính đình đám PricewaterhouseCoopers (PwC) “tiếp tay” để các tập đoàn lớn tránh thuế bằng cách thiết lập các hoạt động toàn cầu ở quốc gia Luxembourg nhỏ bé thuộc Liên minh châu Âu.
Kể từ đó, ICIJ đã công bố hàng triệu tài liệu bị rò rỉ từ các tổ chức tài chính, bao gồm Hồ sơ Panama vào năm 2016 và Hồ sơ FinCen năm ngoái. Trong đó, Hồ sơ FinCen - ghi lại giao dịch của 5 ngân hàng quốc tế lớn là JPMorgan, HSBC, Standard Chartered Bank, Deutsche Bank và Bank of New York Mellon - đã góp phần tạo động lực để sửa đổi luật rửa tiền Mỹ.
Tuy nhiên, người đứng đầu ICIJ Fergus Shiel đã chia sẻ với Fortune hôm 4/10 rằng nhiều người được nêu tên trong Hồ sơ Pandora không thể được coi là phạm luật. Theo ông, đây là mặt trái của tính giữ bí mật tài sản tại các ngân hàng.
Nhà lãnh đạo này nói: "Các chính trị gia có thể sở hữu các công ty ở nước ngoài, nhưng ít nhất công dân của họ nên biết rằng họ đang sở hữu những công ty này và hiểu về mức độ giàu có của họ.”
Ông nói rằng các công ty luật quốc tế và các nhà quản lý tài sản có sự hiểu biết chặt chẽ về những vấn đề này. Trong bối cảnh các chính phủ đều đặn đưa ra nhiều biện pháp nhằm trấn áp tình trạng gian lận thuế, những dịch vụ về pháp lý, đầu tư và kế toán như vậy ngày càng trở nên có giá trị đối với những người đang cố gắng “vượt rào” các quy định.
Trong thập kỷ qua, các quốc gia như Thụy Sỹ, quốc gia giữ bí mật ngân hàng trong nhiều thập kỷ, đã buộc phải tiết lộ thông tin hàng nghìn tài khoản do người nước ngoài nắm giữ.
Thay đổi lớn nhất diễn ra vào năm 2010, khi cựu Tổng thống Barack Obama ban hành Đạo luật về Tuân thủ thuế của các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA), trong đó buộc các chính phủ phải thông báo cho Sở Thuế vụ Mỹ nếu công dân công dân có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Tuy nhiên, điều này lại một lần nữa tạo ra một lỗ hổng. Lỗ hổng này là sự khác biệt giữa những người có đủ khả năng chi tiền cho các chuyên gia tư vấn để tiếp tục trốn thuế và những người đã buộc phải ngừng giấu tiền của họ vì sự giám sát chặt chẽ hơn.
Các quy tắc về trao đổi thông tin đã phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn một lượng tiền nhất định gửi vào các ngân hàng Thụy Sỹ. Tuy nhiên, những cá nhân có ảnh hưởng về chính trị, những người giàu có, tội phạm, vẫn có thể tiếp tục sử dụng nhiều công cụ khác nhau để lách luật. Nếu bạn giàu có và có thời gian, bạn có thể làm được điều này.
Một trong những công cụ đó là sử dụng các công ty ma để che giấu chủ sở hữu tài sản thực sự. Trong nhiều năm đàm phán, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris, đại diện cho nhiều quốc gia giàu có của thế giới, đã cố gắng đưa ra các quy định mới nhằm chống lại các “thiên đường thuế”, song cho đến nay thành tựu lớn nhất của tổ chức này vẫn chỉ là sự đồng thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu là 15%.
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng các công ty cần đăng ký người thụ hưởng và công bố trên quy mô toàn thế giới, điều này sẽ tiết lộ chủ sở hữu thực sự.
Điều này sẽ mang lại những tác động sâu rộng, đặc biệt là trong việc bổ sung nguồn tài chính công thế giới, thay vì được chuyển vào một tài khoản ngân hàng hải ngoại nào đó.
Giám đốc điều hành Alex Cobham cho hay theo ước tính của Tax Justice Network, các công ty và cá nhân trốn tổng cộng khoảng 427 tỷ USD tiền thuế mỗi năm và có từ 11.000 tỷ USD đến 32.000 tỷ USD tài sản được lưu giữ bên ngoài quốc gia nơi số tiền này kiếm được.
Ông lưu rằng khoảng 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới có khả năng bị che giấu. Đây là một phần chi phối của hệ thống tài chính thế giới./.