Hỗ trợ người dân miền Trung có nguy cơ thiếu đói vì nước lũ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý hỗ trợ trước mắt 1.500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để cứu trợ khẩn cấp các hộ dân có nguy cơ thiếu đói tại vùng ngập lũ.
Trao quà hỗ trợ gia đình ông Dương Kim Danh, thôn Trung Thượng, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý hỗ trợ trước mắt 1.500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để cứu trợ khẩn cấp các hộ dân có nguy cơ thiếu đói tại vùng ngập lũ; giao Bộ Tài chính khẩn trương xử lý cụ thể theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, đảm bảo cấp phát kịp thời, đúng đối tượng.

Đây là nội dung thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong đợt kiểm tra công tác ứng phó, chỉ đạo khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế.

Cũng theo Thông báo này, về hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nhà cửa), sau khi lũ rút, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo thống kê, đánh giá cụ thể, đầy đủ, kịp thời, chính xác thiệt hại, xác định rõ trách nhiệm khắc phục của địa phương, của các bộ, ngành, nhu cầu hỗ trợ trước mắt gửi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng theo quy định (đối với các công trình mang tính chất lâu dài, cần chủ động bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn để từng bước thực hiện). Bộ Giao thông Vận tải xử lý khắc phục các tuyến quốc lộ, đường sắt.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc bổ sung các trạm quan trắc gió tại khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sớm triển khai theo quy hoạch, phục vụ công tác giám sát, cảnh báo thiên tai.

Để hạn chế thiệt hại, hỗ trợ nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, trong đó tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của địa phương, phối hợp với các lực lượng có liên quan tiếp tục tìm kiếm những người còn đang mất tích.

Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời đối với thân nhân những người bị thiệt mạng, mất tích; thăm hỏi, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo người bị thiệt mạng; hỗ trợ gia đình bị thiệt hại khó khăn, nhất là các hộ gia đình chính sách, người nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Đồng thời, tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong vùng ngập lũ có nguy cơ bị thiếu đói, không để người dân bị đói, rét; tiếp tục bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các bến đò, các khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để đảm bảo an toàn; phối hợp với ngành đường sắt hỗ trợ hành khách bị mắc kẹt do mưa lũ.

Ngay sau khi lũ rút, chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh, không để bùng phát dịch bệnh; vệ sinh trường lớp, sớm đưa học sinh trở lại trường; rà soát khắc phục các công trình hạ tầng thiết yếu bị hưu hỏng (điện, đường, trường, trạm, hệ thống giao thông, thủy lợi) để sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương tập trung khắc phục ngay sự cố trên các tuyến giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là đối với tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương đủ cơ số thuốc, hóa chất xử lý nước, môi trường; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương trong việc xử lý môi trường sau khi lũ rút, không để bùng phát dịch bệnh trên người và vật nuôi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và cơn bão Sarika, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt cần tập trung khắc phục nhanh các công trình hạ tầng về y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng đóng chân trên địa bàn hỗ trợ địa phương triển khai tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình triển khai ngay phương án phù hợp cứu nạn 4 thuyền viên trên tàu vận tải bị mắc cạn ngoài cửa sông Gianh theo đề nghị của địa phương, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia cứu nạn.

Chiều 17/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có mặt tại vùng rốn lũ - xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trao quà hỗ trợ khẩn cấp cho bà con chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Tại xã Phương Mỹ, Đoàn đã trao tận tay bà con mỗi phần quà, gồm: 1 thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, bình và viên lọc nước cùng các nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Ông Ngô Xuân Đường, 95 tuổi (xóm Trung Phương, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ: "Các vật dụng được trao đến bà con chúng tôi lúc này là vô cùng kịp thời, cần thiết. Đặc biệt là bình lọc nước sạch, mấy ngày qua, chúng tôi luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch vô cùng khổ sở."

Theo ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phương Mỹ, toàn xã hiện có 3.024 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ, dự kiến khoảng 6 ngày nữa, nước mới rút hết khỏi địa bàn.

Hiện tại, mặc dù thời tiết khô ráo hơn, nước đã xuống gần 2 mét so với trước nhưng xã vẫn bị ngập sâu trong nước 1,5m.

Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng Ban Phòng ngừa và ứng phó thảm họa thiên tai, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp bước đầu cho 4 tỉnh miền Trung với tiền và hàng trị giá 1,97 tỷ đồng, kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn ban đầu, ổn định cuộc sống.

Trong đó, hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 300 triệu đồng, 400 thùng hàng gia đình, 100 bộ dụng cụ sửa nhà, 35 nghìn viên lọc nước, 100 bình lọc nước, 50 thùng dầu gội đầu.

Tối cùng ngày, Đoàn cũng đã đến thắp hương chị Nguyễn Thị Loan (khối phố 1, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) bị lũ cuốn trong đợt lũ vừa qua, chia sẻ, động viên gia đình vượt qua khó khăn và hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng.

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề của mưa lũ.

Tham gia việc làm thiết thực này, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị trực thuộc đã ủng hộ tối thiểu một ngày lương cơ bản.

Ngoài số tiền do các cán bộ, công chức ủng hộ, Công đoàn Bộ cũng trao tặng 20 tấn gạo, 200 bộ đầu thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất (set-top box) cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu như sách vở cho học sinh, thuốc men cho đồng bào vùng lũ.

Cùng với việc quyên góp ủng hộ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ cử đoàn cán bộ trực tiếp vào những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của miền Trung thăm hỏi, động viên và trao quà cho người dân.

Ngay sau lễ phát động, đoàn cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn đầu đã lên đường thăm hỏi, động viên và trao quà cho người dân hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ kêu gọi cán bộ, đoàn viên và công nhân viên chức lao động trên cả nước ủng hộ đồng bào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị lũ lụt năm 2016.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cũng cho biết, tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng diễn ra ngày 16/10, Quỹ đã tiếp nhận từ các tổ chức cá nhân quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ là 1,4 tỷ đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai quyết định chuyển cho người dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An số tiền 2,5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi chuyển số tiền này cho các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, từ ngày 20/10 - 20/11/2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai sẽ có thư kêu gọi ủng hộ người dân bị thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.

Đối tượng vận động là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhân dân. Thư kêu gọi nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân miền Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục