Hỗ trợ phí thuê bao VMS cho tàu cá để phòng, chống khai thác IUU

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện có 1.949 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Tại kỳ họp, đại biểu thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tàu cá đánh bắt xa bờ thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đang neo đậu tại sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Tại kỳ họp, đại biểu thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tàu cá đánh bắt xa bờ thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đang neo đậu tại sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sáng 13/11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa 11) tổ chức kỳ họp thứ 28 (chuyên đề) nhằm thông qua một số Nghị quyết quan trọng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại kỳ họp, đại biểu thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bình Thuận hiện có 1.949 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.941/1.949 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 100%; số tàu cá chưa lắp đặt VMS là 8 tàu do ngừng hoạt động (hư hỏng nằm bờ chờ bán 3 tàu, chờ thi hành án 5 tàu).

Theo quy định, thiết bị VMS lắp trên tàu cá buộc phải mở máy 24/24 giờ từ khi tàu rời bến hoạt động trên biển cho đến khi về lại cập bến.

Hiện nay, việc duy trì hoạt động thường xuyên thiết bị VMS ngoài tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thủy sản, đáp ứng điều kiện gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) còn giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt theo dõi, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt là theo dõi các thuyền nghề giã cào (gồm giã cào bay) hoạt động sai vùng khai thác, đồng thời hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tàu cá mất kết nối thiết bị VMS khá phổ biến làm ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, tiềm ẩn nguy cơ cao tàu cá vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Mặt khác, theo khuyến nghị của EC và sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng, theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Thông qua hệ thống giám sát tàu cá, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có gần 40.000 lượt tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên biển. Trong đó, mất kết nối do chủ tàu không đóng phí thuê bao chiếm khoảng 60%.

Tình trạng chủ tàu không đóng cước phí dịch vụ vệ tinh thời gian gần đây có nhiều chuyển biến, giảm nhiều nhưng số lượng còn cao.

Theo số liệu thống kê từ các đơn vị nhà cung cấp dịch vụ, số tàu hết phí dịch vụ thời điểm ngày 16/8/2024 là 485/1.941 tàu lắp thiết bị VMS.

Theo các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, giá xăng dầu biến động tăng, sản phẩm hải sản Việt Nam đang bị EC cảnh báo “thẻ vàng” nên nghề khai thác hải sản đối mặt nhiều thách thức, khó khăn. Nhiều tàu cá có nguy cơ nằm bờ dài hạn do thiếu chi phí hoạt động và thiếu lao động biển.

Để lắp đặt và duy trì hoạt động thiết bị VMS rất khó khăn đối với ngư dân, ngoài tiền mua máy bình quân từ 18-25 triệu đồng/máy, ngư dân còn phải trả phí thuê bao hằng tháng từ 350-435 ngàn đồng/máy (bình quân 381 ngàn đồng/máy) tùy nhà cung cấp dịch vụ.

Do đó, để giảm chi phí sản xuất, nhiều chủ tàu cá không đóng cước phí duy trì hoạt động thường xuyên của thiết bị VMS dẫn đến gián đoạn và không được cung cấp dịch vụ, làm mất tác dụng và ý nghĩa của việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá.

Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhìn nhận, việc ban hành chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị VMS tàu cá trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải IUU, cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, tiến tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững, đồng thời, góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là rất cần thiết.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, mức hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá là 175 nghìn đồng/tháng/tàu.

Thời gian hỗ trợ trong 3 năm (36 tháng), kể từ ngày 1/1/2025. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình 1.950 tàu cá trong 3 năm là hơn 12,2 tỷ đồng.

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh thảo luận, thông qua 4 Nghị quyết quan trọng khác về các vấn đề như: Quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn xổ số kiến thiết; phê duyệt dự án xây mới, sửa chữa, cải tạo một số hạng mục công trình Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn xổ số kiến thiết.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết, các nội dung do Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp lần này là những vấn đề cấp bách.

Khi nghị quyết được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, ban hành sẽ là cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề về đảm bảo nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế, sử dụng hiệu quả vốn ngân sách Trung ương giao.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....