Với hơn 50km bờ biển, những năm qua tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của ngư dân, giúp hoạt động khai thác thủy sản từng bước đi vào nền nếp.
Từ hoạt động tự phát đến tự giác
Nếu như trước đây việc đi biển của ngư dân huyện Thái Thụy thực hiện theo phương thức truyền thống, tự do thì nay hoạt động này đã vào “quỹ đạo’ với việc khai báo xuất nhập bến tại Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền.
Ngư dân Nguyễn Văn Đức, Khu 9, Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, cho biết trước mỗi chuyến ra khơi, anh đều đến Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền để thực hiện thủ tục xuất bến. Công việc này đã trở thành thói quen của anh cũng như nhiều ngư dân địa phương.
Tại đây, anh Đức xuất trình các loại giấy tờ như đăng kiểm, đăng ký khai thác… cùng giấy tờ tùy thân và được cán cán bộ Trạm thực hiện kiểm tra, bảo đảm đúng quy định mới cho xuất bến. Các thủ tục được tiến hành nhanh gọn nên được các ngư dân nghiêm chỉnh thực hiện.
Trung tá Trần Bình Trọng, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền, cho biết hiện đơn vị đang quản lý hơn 300 phương tiện với hơn 1.200 lao động làm ăn trên biển. Thực hiện đợt cao điểm về chống khai thác IUU, từ đầu năm đến nay lực lượng biên phòng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền với đa dạng các hình thức, đồng thời tổ chức cho ngư dân, chủ các phương tiện đánh bắt ký các cam kết liên quan đến chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, Đồn còn huy động lực lượng, phương tiện của đơn vị chốt chặn ở các cửa sông, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát các phương tiện xuất bến và nhập bến. Phương tiện không đảm bảo đủ giấy tờ theo quy định sẽ cương quyết không cho ra khơi; phương tiện nào cố tình trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, đến nay ngư dân đã có thay đổi rõ rệt về cả nhận thức và hành động trong công tác chống khai thác IUU.
Cùng với công tác tuyên truyền, thời gian qua tỉnh Thái Bình thực hiện chặt chẽ công tác giám sát. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản thành lập tổ theo dõi giám sát hành trình (gồm 7 cán bộ) thường trực 24/24 giờ giám sát tàu cá, kịp thời phát hiện tàu cá mất kết nối, tàu cá vượt sang ranh giới biển để thông báo tới địa phương, liên hệ chủ tàu thực hiện đúng quy định về giám sát hành trình, vùng biển được phép khai thác, đánh bắt; đồng thời thông báo tới các lực lượng chức năng xác minh, xử lý theo quy định.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình, cho biết đến nay tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hoạt động khai thác hải sản đã đăng ký, nhập vào phần mềm dữ liệu tàu cá quốc gia VnFishbase là trên 700 tàu, trong đó có 166 tàu có chiều dài từ 15m trở lên; 100% số tàu này được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, tỉnh Thái Bình chưa có tàu cá vượt ranh giới trên biển hoặc khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thực hiện công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2024, liên ngành đã phối hợp quản lý, đăng ký, đăng kiểm, gia hạn giấy phép hoạt động tàu cá; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển; tổ chức tuyên truyền lưu động tại bến cá, cảng cá, trên các phương tiện nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân và người dân về chủ quyền biển, đảo và chống khai thác IUU. Qua tuần tra, giám sát nghề cá, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý 54 vụ/55 tàu cá/61 đối tượng vi phạm, phạt tiền hơn 600 triệu đồng.
Quyết tâm giành “thẻ xanh”
Hiện số tàu tại Thái Bình chủ yếu tham gia khai thác ven bờ trong đó nghề lưới rê có 359 tàu; nghề lưới kéo 181 tàu; nghề lưới vây 13 tàu; nghề chụp 3 tàu; nghề dịch vụ hậu cần 25 tàu và nghề khác là 135 tàu.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Thái Bình, tỉnh xác định điều chỉnh lại cơ cấu tàu cá theo nhóm nghề và nhóm công suất phù hợp; trong đó giảm nhanh khai thác ven bờ; tăng dần khai thác vùng lộng và vùng khơi. Tỉnh cũng khuyến khích phát triển nghề câu, lưới rê, vây, chụp mực, tàu dịch vụ hậu cần trên biển; đồng thời hạn chế, giảm nhanh các tàu khai thác lưới kéo ven bờ, các nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình, nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, chung tay cùng cả nước quyết tâm giành lại “thẻ xanh” của EC, thời gian tới tỉnh Thái Bình tiến hành tổng rà soát công tác chống khai thác IUU tại địa phương trong việc theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương.
Đặc biệt tỉnh nghiêm túc xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép khai thác thủy sản); cập nhật đầy đủ vào phầm mềm dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase hoàn thành trước ngày 31/12 tới. Theo dõi, giám sát, kiểm soát 100 % hoạt động tàu cá của tỉnh trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình lập danh sách cụ thể, chi tiết tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa được cấp giấy phép, chưa lắp đặt thiết bị VMS; tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU (tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh, tàu cá thường xuyên ngắt kết nối VMS, tàu cá từng vi phạm khai thác IUU…) giao cụ thể cho các cơ quan, lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở để theo dõi, quản lý; chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm từ xa các hành vi khai thác IUU, kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài./.
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định EU ghi nhận phía Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp.