Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Đối với nhóm hàng nông-thủy sản, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu khi tiêu thụ đến hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu nhóm nông-thủy sản của Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 2/12, tại thành phố Móng Cái, Sở Công Thương Quảng Ninh và Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết những yêu cầu về phòng chống dịch của phía Trung Quốc đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics đã gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

[Tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc]

“Mặc dù vậy, bằng quyết tâm cao nhất nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, không để hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định hoạt động xuất nhập khẩu, khôi phục thông quan, nhất là tại một số thời điểm khi diễn biến của dịch trở nên vô cùng phức tạp,” ông Lê Hồng Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực lớn, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng.

Cụ thể: nâng cấp Quốc lộ 18C kết nối từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến thành phố Móng Cái; xây dựng cầu thay thế ngầm tràn tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh; xây dựng cầu phao tại lối mở biên giới km3+4; xây dựng cầu Bắc Luân 2; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh...

Đặc biệt từ ngày 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác, kết nối với cao tốc Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn tạo thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây, đóng góp quan trọng vào phát triển liên vùng và giao thương giữa các nước ASEAN, được kỳ vọng rất lớn sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế-xã hội.

Tại hội nghị, Sở Công Thương Quảng Ninh, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái đã cung cấp những thông tin về tỉnh Quảng Ninh, về thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông-thủy sản của Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu và quy định của thị trường cũng như nhu cầu của địa bàn và những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối với các doanh nghiệp và mạng lưới tiêu thụ tại Trung Quốc.

Ông Lê Biên Cương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, đánh giá hội nghị trực tuyến xúc tiến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cho thấy sự tích cực và chủ động của địa phương trong việc nắm bắt xu thế thị trường để giúp định hướng đúng sản xuất và kết nối xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc đạt 41,85 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung.

Trong số đó, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của Quảng Ninh đạt 12,81 tỷ USD, chiếm gần 31% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông-thủy sản, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu khi tiêu thụ đến hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu nhóm nông-thủy sản của Việt Nam; trong đó, các loại trái cây, tinh bột sắn, philê cá tra đông lạnh… chủ yếu được xuất khẩu đi thị trường này với tỷ trọng lên tới trên 90%.

Tuy nhiên, đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng mà đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể khai thác hoặc mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông-thủy sản từ Việt Nam của Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 3% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới.

Trao đổi về khó khăn và đề xuất của địa phương sản xuất nông thủy sản đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận mong muốn Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cung cấp thông tin thị trường, cơ chế, chính sách, hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản (chủ yếu là thanh long)… để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào các thị trường.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh có thể tiếp tục quan tâm phối hợp trao đổi thường xuyên tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tại tỉnh để doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục