Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động dự kiến sẽ được chi trả cho khoảng 3,4 triệu lao động, trong đó có 2,9 triệu người đang làm việc và hơn 500.000 người quay trở lại thị trường. Tổng kinh phí chi trả là khoảng 6.600 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 30/3 tại Hà Nội.
Thủ tục nhận hỗ trợ trong 11 ngày
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá năm 2021 là năm mà cung-cầu lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng: Nguồn cung suy giảm nghiêm trọng, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp làm tăng cao, tiền lương, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn… Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm đã đảo chiều, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
“Đã có 2 đợt di chuyển lao động lớn xảy ra trong năm 2021 (cuối tháng 7 đầu tháng 8 và đầu tháng 10) do tâm lý e sợ dịch COVID-19, không có việc làm, thu nhập bấp bênh không đảm bảo cuộc sống tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước,” ông Vũ Trọng Bình cho biết.
Trước nguy cơ thiếu hụt lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để chia sẻ, giúp đỡ người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất cùng với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách này cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu hút được lao động vào làm việc, hạn chế việc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu lao động; đặc biệt là hút trở lại những lao động đã về quê.
Người lao động có quan hệ lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm đang ở thuê, ở trọ từ ngày 1/2 đến ngày 30/6 sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà 500.000 đồng/tháng, tối đa là 3 tháng. Còn đối với lao động quay trở lại thị trường lao động và bắt đầu có hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/6, phải ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian này thì được hỗ trợ tiền thuê nhà là 1 triệu đồng/tháng trong tối đa 3 tháng.
Về thủ tục, việc triển khai chi trả tiền hỗ trợ, ông Vũ Trọng Bình cho biết sẽ thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách.
Thời gian thực hiện các thủ tục chi trả sẽ kéo dài 11 ngày gồm: Doanh nghiệp tổng hợp và niêm yết danh sách công khai ít nhất 3 ngày; cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách trong 2 ngày; thời gian từ lúc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày; doanh nghiệp chi trả cho người lao động trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ.
Tăng cường giám sát việc chi trả
Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động nêu rõ trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện chi trả cho người lao động.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) bày tỏ băn khoăn về việc trình tự thực hiện đều đã được quy định rõ, nhưng số tiền sau khi chuyển về doanh nghiệp liệu có kịp thời tới người lao động.
Để giám sát chặt chẽ việc chi trả đến tay người lao động, ông Lê Đình Quảng cho rằng khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ thì cần thông báo cho tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan để giám sát việc chi trả kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng chính sách không chỉ hỗ trợ cho người lao động mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp "giữ chân" được người lao động, có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Thay vì doanh nghiệp phải hỗ trợ cho người lao động khoản tiền này thì ngân sách Nhà nước đã trích tiền hỗ trợ.
[Nhiều chính sách hỗ trợ sẽ 'tiếp sức' phục hồi thị trường lao động]
“Quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo cũng đã khảo sát doanh nghiệp và nhận được sự đồng thuận lớn của doanh nghiệp, do đó khi đi vào thực thế doanh nghiệp sẽ tích cực hoàn thành nhanh các thủ tục lập danh sách, chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Quá trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cũng sẽ có các cơ quan giám sát như tổ chức công đoàn, mặt trận tổ quốc, các cơ quan quản lý… sẽ tham gia đôn đốc thực hiện chính sách. Đặc biệt, trong lần thực hiện chính sách này còn có sự tham gia của cơ quan công an trong việc cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin người lao động, tránh trùng lặp khi chi trả./.