Những năm gần đây, người Mông thuộc 2 xã Hang Kia và Pà Cò của huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, giữ tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Mô hình này đang thu hút du khách, tạo nguồn thu và góp phần bảo vệ môi trường.
Trải nghiệm nơi đây, trước mắt chúng tôi là cả một cánh rừng nguyên sinh rộng hàng trăm hécta được chăm sóc, bảo vệ tốt. Là điểm tham quan, du lịch, trên lối mòn dẫn lên đỉnh núi Rồng, nơi được coi là cao nhất, đẹp nhất của Hang Kia-Pà Cò tuyệt nhiên không có một cọng rác, mảnh nylon vương vãi.
Đặt chân đến gia đình ông Khà A Lứ (54 tuổi), hộ dân đầu tiên của xã Hang Kia được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên giao quản lý, bảo vệ hàng trăm hécta rừng nguyên sinh ngay phía sau nhà.
Ông Lứ chia sẻ, ngay sau khi được giao rừng cách đây khoảng 4 năm, ông đã chủ động bảo vệ "tài sản” của mình bằng cách đến từng nhà, gặp từng người trong thôn, bản nói cho họ nghe, hiểu, để không chặt phá rừng.
[Những người lính ngày đêm giữ rừng nguyên sinh trên đỉnh Sam Síp]
Không chỉ tuyên truyền, vận động anh em, họ hàng trong xóm, bản, ông Khà A Lứ và vợ là Vàng Y Mại còn cất công đến cả các xóm khác như Pà Cò Con, Pà Háng Con, Pà Háng Lớn... của xã Pà Cò để tuyên truyền, vận động bà con không lên rừng chặt cây, lấy gỗ, lấy củi.
Với những nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng, ông Sùng A Sa, người có uy tín ở xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò đánh giá và ghi nhận, trân trọng những việc làm của vợ chồng ông Lứ. Ông Sa nhấn mạnh, khi nói những điều phải, điều đúng, mình và bà con thôn bản phải nghe.
Đối với con cháu mình làm sai, xâm hại, phá rừng, mình phải răn bảo chúng. Bây giờ giữ được rừng sau này mới còn rừng cho con cháu.
Từ sự đồng cảm đó, nỗ lực của vợ chồng Lứ được đền đáp. Cả khu rừng đá vôi nguyên sinh rộng hàng trăm hécta trên đỉnh núi Pà Cò, từ chỗ thường xuyên bị xâm hại đã được gìn giữ.
Giữ được rừng, cũng phải nghĩ làm sao để sống được nhờ rừng. Sau bao ngày trăn trở và được cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò gợi ý, vợ chồng Khà A Lứ đã quyết định làm du lịch, biến khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ, hoa quý như phong lan, đỗ quyên cổ thụ, thông Pà Cò... thành điểm du lịch sinh thái, tuyến đi bộ trải nghiệm trecking (du lịch dã ngoại).
Ngoài ra, gia đình ông Lứ cũng làm thêm các dịch vụ ẩm thực mang đậm bản sắc của dân tộc Mông như: Gà nướng, lợn bản, xôi nếp nương, bánh dày... để phục vụ du khách trải nghiệm khi tham quan rừng.
Ông Sùng A Vàng, Phó trưởng ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò cho biết, từ ý thức của người dân của 2 xã Hang Kia và Pà Cò, kinh tế của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, bình quân mỗi tháng, điểm du lịch của vợ chồng người Mông Khà A Lứ đón tiếp hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm.
Trong số khách đến đây có cả người dân các xã lân cận khác. Họ đến để được xem, được nghe, được trải nghiệm về câu chuyện giữ cho rừng mãi xanh tốt của vợ chồng A Lứ ở chính quê hương mình.
Từ mô hình giữ rừng làm du lịch bền vững bảo vệ môi trường, đã trở thành công thức để nhiều chính quyền và người dân các địa bàn khác trong tỉnh học tập và noi theo./.