Hoãn cuộc hòa đàm trực tiếp giữa các bên ở Nam Sudan

Phái đoàn của Chính phủ Nam Sudan và phe chống đối tại đây cho biết cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên tham chiến đã bị hoãn.

Ngày 4/1, phái đoàn của Chính phủ Nam Sudan và phe chống đối tại đây cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên tham chiến đã bị hoãn lại, phủ bóng đen lên hy vọng về một lệnh ngừng bắn nhanh chóng nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh dữ dội và nguy cơ bùng phát thành nội chiến tổng lực tại quốc gia châu Phi này.

Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Michael Makuei , thành viên phái đoàn tham dự các cuộc đàm phán tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, và người phát ngôn của lực lượng phiến quân Yohanis Musa Pouk cho biết hai bên sẽ không gặp nhau vào ngày 4/1 cho tới khi một nghị trình được các nhà đàm phán soạn thảo nhận được sự đồng thuận chung.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Makuei xác nhận các trưởng đoàn đàm phán đã có cuộc gặp chớp nhoáng vào cuối ngày 3/1 với các nhà trung gian hòa giải và đặc phái viên từ các quốc gia trong khu vực và Cơ quan Phát triển liên Chính phủ Đông Phi (IGAD), đơn vị cam kết hỗ trợ cho cuộc đàm phán.

Trên thực tế, cuộc đàm phán trực tiếp giữa phe đối lập và Chính phủ Nam Sudan vẫn chưa diễn ra.

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Ethiopia, quốc gia đảm nhận vai trò trung gian trong các cuộc hòa đàm, ông Tedros Adhanom khẳng định các bên trung gian đã đạt kết quả khả quan trong cuộc đàm phán mà họ được ủy nhiệm và dự kiến các bên đối đầu tại Nam Sudan sẽ tiến hành cuộc thảo luận trực tiếp trong ngày 4/1.

Trong khi đó các cuộc giao tranh dữ dội ở thị trấn Bor giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, các cuộc đụng độ diễn ra từ ngày 15/12 đã làm hàng nghìn người thiệt mạng, gần 200.000 người phải đi lánh nạn và tạm trú trong tại nhiều tòa nhà của Liên hợp quốc trên cả nước.

Cuộc xung đột bạo lực tại Nam Sudan xảy ra khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính, gây bạo lực đẫm máu.

Kể từ ngày 1/1 vừa qua, Tổng thống Nam Sudan Salva Kirr đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Unity và bang Jolei, hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục