Hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Mục tiêu của Đồ án là phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Ngày 19/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long” cùng với lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ...

Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) chủ trì, Công ty tư vấn RUA của Bỉ và Hoa Kỳ thẩm tra.

Mục tiêu của Đồ án là phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Phát triển Vùng trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái, cảnh quan sông nước.

Phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thu hoạch tôm sú tại Bạc Liêu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới.

Đây cũng là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp tầm quốc gia; là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mekong mang tầm quốc gia và quốc tế; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Dự báo dân số đến năm 2030 của toàn vùng là khoảng 18-19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5-7,7 triệu người, tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35-40% với tốc độ tăng bình quân 2,4-3,3%. Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 70.000-90.000ha.


[Thách thức an ninh nguồn nước và năng lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long]

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, đơn vị tư vấn phản biện, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Về quan điểm chung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long phải gắn liền với khắc phục hiệu quả, thích ứng lâu dài với những tác động nhiều chiều của biến đổi khí hậu. Theo đó, Đồ án đã có cách cách tiếp cận vấn đề phù hợp, bắt đầu từ việc đánh giá toàn diện, đầy đủ những tác động cả bên ngoài, bên trong, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả, thích nghi bền vững với biến đổi khí hậu.

Dựa trên cơ sở các kịch bản này sẽ xây dựng được quy hoạch phát triển tổng thể, từ đó kế hoạch hóa, chỉ rõ nguồn lực, định hình những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể. Cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện những kế hoạch phát triển đã đề ra một cách hiệu quả nhất.

Tác động từ bên ngoài có thể thấy rất rõ như tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của việc khai thác thuỷ năng từ thượng nguồn sông Mekong. Trong khi đó, những tác động từ bên trong như quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng... cần được đánh giá một cách toàn diện, cả mặt tích cực, tiêu cực.

Trên cơ sở đánh giá tác động của tất cả các yếu tố liên quan đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần phân tích, nhận diện được đầy đủ các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để tiếp tục hoàn thiện bản Đồ án trình phê duyệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện lại bốn vấn đề gồm dự trữ nước ngọt, năng lượng, phát triển công nghiệp và cốt xây dựng.

Phó Thủ tướng cho rằng nước là thuộc tính cốt lõi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc quản lý nước là vấn đề hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của toàn vùng. Do đó, Đồ án cần có đánh giá tổng thể về dự trữ nước ngọt (cả nước ngầm và nước mặt), từ đó nêu rõ các giải pháp thích ứng, ứng phó nhằm bảo vệ nguồn nước cho phát triển bền vững.

Một góc nhà máy điện gió trên biển Bạc Liêu. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Phó Thủ tướng yêu cầu Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long” cần đánh giá một cách tổng thể về năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện, trong đó xác định cụ thể nhu cầu, công suất của từng loại nguồn điện (Mặt Trời, nhiệt điện than, nhiệt điện khí...) để có những điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch.

Về phát triển công nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với việc xác định chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và thực phẩm; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp... Phó Thủ tướng cho rằng việc phát triển công nghiệp là xu hướng tất yếu nhưng phải gắn với phát triển nông thôn, tiết kiệm đất đai, tài nguyên thiên nhiên.

Về cốt xây dựng, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì Đồ án cần có những nghiên cứu cụ thể để tính toán, dự báo cụ thể các kịch bản và phương án ứng phó, tránh tình trạng “loạn cốt xây dựng.” Các cơ quan chủ trì phải tính toán kỹ, làm việc cụ thể với các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tích hợp vào Đồ án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục