Hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng, chống thiên tai và đê điều​

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thiên tai vốn thường gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và tính mạng con người, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra tác động của biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng, chống thiên tai và đê điều​ ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận nhiều nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu đối với dự thảo Luật trên.

Đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh

Cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo luật đã đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chủ động trong phòng chống và giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần phải tiếp cận rộng hơn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là với nhiều loại hình hơn, gia tăng tần suất.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần bổ sung thêm các điều khoản quy định về ứng phó với các loại hình thiên tai đã được quy định trong luật hiện hành như hạn hán, rét đậm, sương muối để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Về tên gọi dự thảo Luật, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, trước tình hình tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, nhằm bảo đảm tính cập nhật, Ban soạn thảo nên sửa tên gọi là "Luật Phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu" để phù hợp với yêu cầu thực tiễn bởi biến đổi khí hậu có thể diễn ra cả quá trình, đòi hỏi các biện pháp ứng phó mang tính vừa cấp thiết, vừa lâu dài, chiến lược, nên việc ứng phó chỉ trong nội hàm phòng chống thiên tai là chưa đầy đủ và toàn diện.

Về ngân sách phòng chống thiên tai, đại biểu thống nhất dự án đưa ra bổ sung kế hoạch trung hạn và quỹ dự trữ tài chính vào ngân sách để bảo đảm hoạt động phòng chống thiên tai trên thực tiễn và phù hợp với luật hiện hành.

Việc bố trí nguồn ngân sách này bảo đảm sự chủ động, giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn khi thiên tai xảy ra cũng như yêu cầu xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng, chống thiên tai và đê điều​ ảnh 2Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ giải lao. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhiều vi phạm xảy ra chưa được xử lý nghiêm

Nêu quan điểm về một số nội dung của Luật Đê điều, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, việc quản lý nhà nước ở các khu vực bãi bồi, cù lao, bãi sông rất khó khăn, bất cập, thậm chí buông lỏng nên có nhiều vi phạm xảy ra chưa được xử lý nghiêm do liên quan đến các luật khác, do e ngại, nể nang.

Thực tế, bãi bồi, cù lao là do chính quyền cấp xã quản lý, giao cho người dân thuê có thời hạn và mục đích sử dụng cho nông nghiệp, phi nông nghiệp. Do đó, đã có nơi bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà dân sinh, công trình dân dụng không phép.

Mặt khác, việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi đê đã ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói mòn đê nên dự thảo luật sửa đổi phải có quy định cụ thể, tránh việc sử dụng cù lao, bãi bồi, lòng sông không an toàn cho đê.

Các quy định này cần được dễ dàng thực hiện, không bị ràng buộc bởi các luật khác, tránh tình trạng người dân tự phát sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý của các cơ quan chức năng.

Về xây dựng công trình cải tạo giao thông liên quan đến đê, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành dự thảo, tuy nhiên, ngoài sự tổng hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Giao thông vận tải, đại biểu cho rằng, vấn đề này cần có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường vì không chỉ việc xây dựng cầu qua sông cần đê mà quá trình khai thác cát, sỏi khoáng sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đê nên việc cấp phép xây dựng cầu, khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi bảo vệ đê phải có sự thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tránh trường hợp người cấp phép, người khác lại lập biên bản vi phạm, gây chồng chéo, khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Hoàn thiện dự thảo Luật để đưa ra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thiên tai vốn thường gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và tính mạng con người, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra tác động của biến đổi khí hậu, làm cho tốc độ thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều được giao nhiệm vụ thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra. Dự thảo Luật đã được xây dựng theo các quy định của Luật xây dựng văn bản pháp luật và sự tham gia rộng rãi của các tổ chức cá nhân.

Với 5 nhóm nội dung của Luật Phòng, chống thiên tai, 3 nhóm nội dung của Luật Đê điều tại diễn đàn Quốc hội, dự thảo Luật đã nhận được sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng kết luận đóng góp các nội dung ý kiến qua 5 nhóm nội dung thông qua văn bản 3072 ngày 25/9/2019.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với 9 nội dung đóng góp vào Luật phòng chống thiên tai và 3 nội dung đóng góp vào Luật Đê điều. Đặc biệt đã có 229 ý kiến đóng góp của các đại biểu tại các đoàn, tại phiên thảo luận tổ.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đóng góp để cùng với cơ quan thẩm định của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất cũng như giải trình những nội dung chưa rõ hoặc có ý kiến còn khác nhau.

Một số nội dung, Ban soạn thảo sẽ cùng với cơ quan chủ trì, thẩm định tổ chức thêm một số phiên hội thảo làm rõ hơn tạo sự thống nhất cao để hoàn thiện đưa ra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.Thời gian còn lại trong phiên họp sáng 22/11, Quốc hội họp bàn về vấn đề nhân sự.

Phát biểu tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Bộ Chính trị đã phân công ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Nguyễn Khắc Định đã nhận nhiệm vụ sau vài ngày diễn ra Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Từ đó đến nay, ông Nguyễn Khắc Định chưa miễn nhiệm và phải kiêm nhiệm hai chức vụ trên. Cùng với đó, Bộ Chính trị đã nhất trí cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 -2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Để thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, theo chương trình Kỳ họp thứ 8 đã báo cáo với Quốc hội, ngày 22/11, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định. Đồng thời, Quốc hội tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Cuối phiên họp buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo chương trình, buổi chiều, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục