Nói như thế, không có nghĩa cô không còn thơ ngây nữa. So với buổi đầu tiên người viết bài gặp Quyên hai năm trước - hồi Quyên 21 tuổi và sắp ra mắt album-liveshow “Cửa thơm mùi nắng” - Quyên giờ còn có phần mộc mạc hơn.
Như dòng chảy ngược sinh ra để cô đơn trong đời sống, Quyên luôn già hơn tuổi của mình. Quyên sâu trong chính sự thơ dại. Mặc nhiều người bảo Quyên khờ, sau từng ấy năm vẫn chọn “chung thân” cùng Sơn (nhạc sỹ Lê Minh Sơn-PV) trong hành trình “Về” - album Quyên ra mắt mới đây ở tuổi 23.
“Về” - cùng một "gã" được nhận định đã mất tính thị trường, chỉ còn vang bóng một thời là hiện tượng đưa những người vô danh thành ngôi sao như Tùng Dương, Ngọc Khuê… Ừ, thì cũng có thể Quyên ngây thơ thật!
Quyên chỉ cười, ngây ngô rồi chiêm nghiệm như bà cụ : “Quyên và anh Sơn tình thân nhiều hơn tình riêng. Hơn cả duyên chắc chỉ có thể là nợ từ kiếp trước. Mặc anh Sơn bỏ… rơi Quyên lâu rồi, chẳng còn ngó ngàng, nhắc nhở. Quyên vẫn tự lo, vụng về và loay hoay trên con đường của chính mình. Nhưng có điều gì đó như là tâm linh, vượt lên mọi tính toán. Hễ trong mọi quyết định quan trọng, để nhận diện lại chính mình, Quyên lại về đó như một nơi nương tựa, an tâm, nhẹ lòng. Vì Quyên biết chắc chắc những thứ được làm ra từ đó sẽ ổn và tử tế!”
Ít nhất, là sau những “Ổi ương đầu cành,” “Cửa thơm mùi nắng” trau chuốt và giàu thơ tính thường thấy trong sáng tác của Sơn dành cho Quyên, “Về” khơi gợi niềm mong muốn một lộ trình gọn mà chắc, chậm nhưng bừng sáng sẽ đi theo Hoàng Quyên như chính nghệ danh của cô.
Gồm 7 ca khúc đều đã xếp hàng “cũ mòn, cũ gỉ” như cách ví von của Sơn, lại được phối theo phong cách acoustic, “Về” đưa lại cảm nhận sắc nét bởi sự tử tế trong khâu biên tập và kỹ lưỡng về hòa âm.
Cách chọn bài (như là ngẫu nhiên) có tuổi đời trên dưới hai mươi năm như “Về đi em” (Trần Tiến), “Để em mơ" (Nguyễn Cường), đến những nhạc phẩm đã băng qua nửa thế kỷ là “Giọt nước mắt ngà” (Ngô Thụy Miên), “Bài không tên thứ 8” (Vũ Thành An), “Ru đời đi nhé” (Trịnh Công Sơn), “Hẹn hò” (Phạm Duy), “Đưa em tìm động hoa vàng”… một lần nữa lộ rõ chất “quái” và gu thẩm mỹ thuộc hàng lọc lõi của Sơn.
Mỏ nguồn nhạc Việt thì vô tận, nhưng giữa thời “tài năng chín sớm” ở Việt Nam năm nào cũng nhiều như lá… rụng từ những cuộc thi trên màn ảnh nhỏ, khiến nghệ sỹ hễ ra sản phẩm ngoài hay còn thêm áp lực phải mới.
Khi cả làng nhạc tìm về nhạc xưa như là mốt thời thượng, thậm chí cố mọi cách vùng vẫy để sáng tạo trong giới hạn của dòng nhạc, Sơn nói anh đã phải vật vã một thời gian dài và rất…vất vả để làm sao đưa Quyên “Về” với nhạc xưa nhưng không được sến, buồn và ủy mị.
Rõ ràng Quyên đang hát những bài ca cũ nhưng phải truyền hơi thở mới, như chính Quyên tự sự câu chuyện đương thời phía trong mình - “Về” với giá trị cốt lõi, nguyên sơ ám màu trải nghiệm, lắng sâu, những rung cảm run rẩy của tuổi 23 trong hình hài và cả giọng hát.
Trên nền guitar và piano, “Về” mở ra không gian đa chiều, vẫn bám hồn cốt dân gian bởi sử dụng các nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị, đàn tranh. Chất cổ điển, sang trọng được phủ sắc thái đương đại, đặc biệt tinh tế bởi sự giao thoa giữa dàn dây cổ điển gồm cello, violon, flute… với những nhạc cụ cổ, ít được vận dụng thời nay như Clarinet, Accordion.
Viết đến đây, người viết bài cũng chợt hiểu ra rằng, vì đâu Quyên chọn về lại và an tâm vào những thứ do Sơn làm ra.
Sự trau chuốt, kỹ lưỡng khiến Sơn phải buột miệng than thở “chẳng được một xu” nhưng lại làm Quyên tin sẽ “ổn và tử tế” ấy chỉ có thể xuất phát từ cái tâm Sơn dành ra bao bọc, nâng niu giọng hát trời cho đó.
Nếu “Để em mơ” khiến người nghe vừa thấy lạ, nửa như choáng ngợp trước âm vực rộng, giọng hát màu và mạnh của Quyên. Cùng sóng nhạc và bè phối, Quyên thỏa sức khoe trọn vẹn kỹ thuật hát rất chắc chắn, nốt thấp ra nốt thấp, nốt cao ra nốt cao, vang, rền, nền, nảy. Trái lại, “Giọt nước mắt ngà,” “Bài không tên số 8” và “Hẹn hò” đem tới cảm nhận run rẩy mà mong manh, đằm trải mà thản nhiên như tiếng thở dài trong cách hát của Quyên.
Song có lẽ, bất ngờ nhất là Quyên khi hát “Về đi em.” Những tưởng sẽ là “ca khó” với Quyên bởi ca khúc này đã đươc nhắc nhớ bởi ít nhất hai ca sỹ trước đó, nhưng thật khó tin khi chính ca khúc này lại bám vào trí nhớ lâu nhất trong album “Về.”
Sự rung cảm tự nhiên của cô gái tỉnh lẻ, sinh ra vùng miền núi trung du (Đại Từ- Thái Nguyên) chảy trong huyết quản của Quyên dường như đã thẩm thấu, nhuốm quyện với miền hồi ức, tự sự của kẻ lãng du hoài nhớ trong nhạc phẩm của Trần Tiến chăng?
Hoặc tin theo câu chuyện Sơn kể, về cái đêm định mệnh anh ôm đàn đệm bài này cho một cô bé hát trong hành trình “Du ca Việt,” Sơn giật mình nhớ tới Quyên. Anh và Quyên, mỗi người đều đang mướt mải trên hành trình khác nhau rồi có lúc phải tìm về với chính mình, với bản ngã và cái lõi nghệ sỹ được nuôi dưỡng bởi suối nguồn classic (cổ điển).
Vì như Sơn nói “sung sướng và thăng hoa” chính là cảm thức anh bắt gặp Quyên trong âm nhạc. “Việc tôi làm sản phẩm này xuất phát từ cái tâm hay việc nó hướng đến tử tế, nhân văn, giải trí thì câu trả lời cuối cùng chính là tài năng và giọng hát. Dù hiện thực đáng buồn là tài năng lại đang thuộc về số ít..."
Dù là cách lý giải nào, duy tâm hay chua chát, người viết bài tin rằng “Về đi em” chính là ca khúc chủ đề của album, khi nó được “tái sinh” một lần nữa bởi “những-gam-màu-khác” trong tiếng hát Quyên ở thời điểm hiện tại.
Dẫu truyền thông đang “tạm” xếp “Về” là một album nhạc xưa, nhưng cảm giác dễ chịu và ấn tượng rất mới khi nghe, khiến hành trình “Về” của Quyên trở nên đầy thuyết phục bởi ý tưởng cách tân rõ ràng, thậm chí tinh lọc giữa đầy rẫy sản phẩm âm nhạc cẩu thả, lối mòn của showbiz Việt đương thời.
Tất nhiên, ở một vài ca khúc khác góp mặt trong album như “Ru đời đi nhé,” “Đưa em tìm động hoa vàng” chưa hẳn là lựa chọn “vừa vặn” với giọng hát 23 tuổi còn thiếu màu trải nghiệm của Quyên.
Chính vì thế, dù sở hữu giọng hát trời cho và nhạc cảm sâu sắc, thì việc chưa làm thỏa mãn ở những nốt phiêu ling, hay trạng thái thản nhiên trong hơi thở, tin là theo thời gian sẽ sớm “về” với âm sắc lộng lẫy này..../.