Học giả Anh đánh giá cao nền văn hóa phong phú, đa dạng của Việt Nam

Các sản phẩm thủ công truyền thống được tạo ra với sự tỉ mỉ, chăm chút, cẩn thận truyền từ đời này qua đời khác là cách Việt Nam bảo tồn lịch sử, văn hóa một cách hài hòa mà nước khác có thể học hỏi.

Đại Nội Huế luôn là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Đại Nội Huế luôn là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Theo nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử Việt Nam và đảng viên đảng Cộng sản Anh Kyril Whittaker, văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, cũng như chính người dân Việt Nam rất thân thiện, cần cù và sáng tạo.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại London, ông Whittaker cho biết ông có một tấm áp phích in câu nói của Bác Hồ mà ông tin rằng mô tả rất đúng sự đa dạng, phong phú của văn hóa và con người Việt Nam: "Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp."

Theo nhà nghiên cứu người Anh, câu nói này thể hiện nét độc đáo của Việt Nam với một nền văn hóa phong phú như một rừng hoa lớn mà mỗi loài hoa góp phần tạo nên vẻ đẹp cho cả rừng hoa.

Là một đảng viên đảng Cộng sản Anh có thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, ông Whittaker đánh giá nền văn hóa phong phú của Việt Nam trước hết được kế thừa từ lịch sử. Điều có thể thấy rõ qua các thiết kế nghệ thuật và kiến trúc ở các thành phố lịch sử như Huế và Hà Nội với những đền chùa cổ kính, trong đó có Chùa Một Cột và Văn Miếu, những di tích lịch sử nổi tiếng được bảo tồn công phu để du khách tham quan và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

Ông Whittaker cho rằng sự cần cù và sáng tạo là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, thể hiện qua sự tồn tại của rất nhiều làng nghề trên khắp Việt Nam.

Theo ông, các sản phẩm thủ công truyền thống tinh xảo được tạo ra với sự tỉ mỉ, chăm chút, cẩn thận truyền từ đời này qua đời khác là cách Việt Nam bảo tồn lịch sử và văn hóa một cách hài hòa mà các nước khác có thể học hỏi. Ngoài ra, sự phong phú của văn hóa Việt Nam cũng được thấy qua những đổi mới, sáng tạo dựa trên văn hóa truyền thống.

Ông Whittaker dẫn chứng nghệ thuật Họa Kim Sa được cải tiến từ nghệ thuật Pháp Lam-Huế truyền thống, kết hợp giữa kim loại và cát để tạo nên các tác phẩm hội họa hiện đại, hay như tour du lịch đêm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám sử dụng công nghệ 3D mapping kết hợp với kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh tạo nên màn trình diễn rực rỡ về nền giáo dục và lịch sử trong văn hóa Việt Nam thông qua việc giới thiệu trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Ông cũng chỉ ra rằng chính lịch sử sâu sắc và sự sáng tạo năng động của Việt Nam tạo nên một nền văn hóa hiện đại, luôn đổi mới.

Các di sản văn hóa, nền ẩm thực độc đáo, đời sống thường ngày phong phú cũng là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Ông Whittaker bày tỏ ấn tượng sâu đậm với những món ăn ngon đường phố, những quán càphê tuyệt vời, những bữa tiệc gia đình vui vẻ với màn biểu diễn karaoke và các loại hình âm nhạc truyền thống, hay những chợ nổi và lễ hội sông nước miền Tây.

Theo nhà nghiên cứu người Anh, sau khi sống ở Việt Nam hơn một năm, đất nước này có một vị trí đặc biệt trong trái tim ông, mà phần lớn là do nền văn hóa độc đáo và những con người Việt Nam tốt bụng, thân thiện, vui vẻ, cần cù, sáng tạo, hiểu biết và giàu văn hóa. Ông coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và không bao giờ cảm thấy lạc lõng khi ở đất nước này.

Nói về chủ trương phát triển văn hóa Việt Nam được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Whittaker cho rằng phát triển văn hóa không thể tách rời khỏi sự phát triển của đất nước, chỉ ra rằng những chủ trương trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển và giữ gìn sự phong phú của văn hóa Việt Nam.

Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra các mục tiêu hướng tới cải thiện tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo (đã giảm đáng kể), cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tiếp tục phát huy rộng rãi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cùng nhiều nội dung khác.

Ông chỉ ra rằng một xã hội hạnh phúc và lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho một nền văn hóa phong phú và người dân hạnh phúc và Nghị quyết Đại hội XIII tiếp nối truyền thống lâu đời là đảm bảo điều này được thực hiện ở Việt Nam.

Ông Whittaker cũng cho rằng văn hóa Việt Nam tiếp thu phần lớn lời dạy của Bác Hồ và điều này được thể hiện không chỉ trong xã hội Việt Nam mà còn được thể hiện qua các nghị quyết của Đại hội XIII và các kỳ đại hội trước.

nha-nhac-3907.jpg
Nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc triều Nguyễn, được UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại” vào tháng 11/2003. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Một phần quan trọng trong lời dạy của Bác Hồ đề cao tính tiết kiệm, ngay thẳng và cần cù, chống lãng phí. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong nghị quyết về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lấy dân làm gốc để đưa ra mọi quyết định và duy trì tinh thần đoàn kết truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Ông dẫn nghị quyết nêu rõ: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế," chỉ ra rằng văn hóa là động lực của dân tộc Việt Nam, thể hiện khía cạnh độc đáo và đáng quý cũng như sự phong phú của văn hóa Việt Nam. Vì vậy, văn hóa là động lực, tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại, kinh tế và đời sống hằng ngày.

Điều này có thể thấy qua các mục tiêu về chính sách môi trường của Việt Nam đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Whittaker, mặc dù thoạt nhìn điều này dường như không ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa, nhưng khi xem xét kỹ thì hoàn toàn ngược lại. Nhờ những chính sách như vậy, có thể thấy những thay đổi trong văn hóa của các thành phố nhộn nhịp như Hà Nội với hệ thống phương tiện giao thông công cộng xanh, an toàn, hiệu quả và giá rẻ phục vụ người dân.

Với những chủ trương về môi trường như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh có những khu phố đi bộ cho phép giảm ô nhiễm ở một số khu vực lịch sử đông đúc nhất của thành phố, giúp bảo tồn kiến trúc bền vững và tạo ra những thói quen hằng ngày mới cho người dân.

Ở khu vực nông thôn, điều này có nghĩa là bảo vệ môi trường sống cho nông dân, ngư dân và người làm vườn mà nền văn hóa độc đáo của họ có thể bị đe dọa nếu việc bảo vệ môi trường lỏng lẻo có thể kéo theo xói mòn, nước biển dâng và ô nhiễm phá hủy di sản xanh phong phú của Việt Nam vốn nổi tiếng thế giới.

Ông Whittaker tin rằng đặt người dân ở vị trí trung tâm là một khía cạnh độc đáo khác của văn hóa Việt Nam. Phát triển văn hóa không thể tách rời sự phát triển và hạnh phúc của con người, điều đã được phản ánh sâu hơn trong nghị quyết khi bàn về văn hóa: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước."

Ông Whittaker chỉ ra rằng, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập chi tiết hơn về mối liên hệ này và lưu ý rằng văn hóa thường được nhìn qua lăng kính “giải trí." Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam rất phong phú và có chiều sâu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập tới sự cần thiết phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại.

Theo chuyên gia Anh, có thể thấy nhiều trong những vấn đề này đã được thực hiện kể từ Đại hội XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Đề cập tới vai trò của văn hóa Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, nhà nghiên cứu Anh nhận định trong những năm gần đây, ẩm thực, âm nhạc và đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã gây chú ý trên khắp thế giới trong khi những hình ảnh về cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam đã trở nên quen thuộc với thế giới.

Ông Whittaker nhấn mạnh sau khi triển khai công cuộc Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam đã tăng cường quảng bá nền văn hóa độc đáo của đất nước với thế giới. Ông nhận định, với các mục tiêu của Đại hội XIII và nỗ lực không ngừng của Đảng và nhân dân, Việt Nam ngày càng thành công trong việc giới thiệu với thế giới không chỉ nền chính trị và lịch sử mà cả nền nghệ thuật và ẩm thực phong phú của mình.

Ông Whittaker nhấn mạnh, việc quảng bá nền văn hóa độc đáo của Việt Nam ra thế giới cũng giúp xây dựng đất nước theo nhiều cách.

Trước tiên, ngoại giao văn hóa giúp tăng cường hiểu biết của các quốc gia khác về các sản phẩm văn hóa độc đáo và sự đổi mới, sáng tạo của Việt Nam - điều sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, thông qua ngoại giao văn hóa, Việt Nam ngày càng giúp thế giới hiểu rõ lịch sử phong phú và người dân Việt Nam cũng như cuộc sống hằng ngày của họ, giúp nhiều người có cái nhìn đúng về Việt Nam khi trước đây có nhiều người hiểu sai về Việt Nam và hiện nay vẫn còn những người như vậy. Ngoại giao văn hóa cũng thúc đẩy vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc đóng góp cho các tổ chức bảo tồn di sản văn hóa thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.

ngoai-giao-cay-tre-7962.jpg

Ông Whittaker cũng cho rằng chính sách “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam là một nét độc đáo. Ngoại giao cây tre dựa trên nguyên tắc "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển," thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc chung tay phát triển thương mại, hữu nghị và hợp tác với tất cả các quốc gia, đồng thời giữ vững bản sắc riêng, bảo vệ độc lập dân tộc và tuân thủ chính sách quốc phòng “4 không."

Nhà nghiên cứu Anh cho rằng văn hóa lấy con người làm gốc và điều này được thấy ở Việt Nam, khẳng định đây là khía cạnh thiết yếu của một nền văn hóa được hình thành dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Văn hóa Việt Nam được phát triển trên quan điểm lấy con người làm trung tâm, không vì lợi nhuận, đồng thời sáng tạo một nền văn hóa mới trong khi bảo tồn những truyền thống văn hóa lịch sử phong phú. Bằng cách này, văn hóa vừa phát triển mạnh mẽ, hiện đại, được truyền tải thông qua các phương tiện công nghệ tiên tiến, song vẫn mang tính truyền thống bao hàm lịch sử phong phú của đất nước.

Ông Whittaker tin rằng văn hóa Việt Nam có nhiều điều để đóng góp cho thế giới khi ngày càng có nhiều người ăn món Việt, nghe nhạc Việt, thưởng thức nghệ thuật Việt và mua hàng Việt.

Ông Whittaker bày tỏ mong mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng các ấn phẩm định kỳ, tạp chí và báo chí là một cách tốt nhất để truyền tải nét đẹp văn hóa phong phú của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục