Học giả Nga đánh giá cao kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam

Học giả Evgheny Kobelev cho rằng trong quá trình tiến hành đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng chiến lược chính sách đối ngoại mới, cho phép thay đổi triệt để hình ảnh của Việt Nam.
Học giả Nga đánh giá cao kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam ảnh 1Học giả Nga đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Theo Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 6/10, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kinh nghiệm đổi mới ở Việt Nam: quá khứ và hiện tại.”

Tham dự Hội thảo có hơn 30 học giả, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và đông đảo nghiên cứu sinh, sinh viên người Nga chuyên ngành về Việt Nam, ASEAN, khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về phía Việt Nam, có ông Phạm Thái Việt - Tham tán, Trưởng phòng Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và bà Vũ Thụy Trang - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và SNG, Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham dự.

Các học giả tham gia Hội thảo đã lần lượt trình bày hơn 20 tham luận trong 2 phiên chính với các chủ đề: “Chính sách đối nội và đối ngoại” và “Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ học.”

Tại phiên thứ nhất “Chính sách đối nội và đối ngoại,” học giả Vladimir Kolotov - Trưởng khoa lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Trường Đại học Tổng hợp St-Peterburg cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là yếu tố then chốt trong chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương, cũng như trong những thành công của quá trình cải cách kinh tế vào cuối thể kỷ XX, đầu thể kỷ XXI.

Về phần mình, học giả Evgheny Kobelev - Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng trong quá trình tiến hành đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng chiến lược chính sách đối ngoại mới, cho phép thay đổi triệt để hình ảnh của Việt Nam, khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với cộng đồng quốc tế, để từ đó đảm bảo tối đa các điều kiện thuận lợi của Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước.

Tại phiên thứ hai với chủ đề “Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ,” Giáo sư Tatina Filimonova thuộc Viện các nước châu Á và châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov cho rằng chính sách đổi mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành vào năm 1986 đã mang đến sự thay đổi to lớn trong văn học và phê bình văn học Việt Nam.

Một trong những thành tựu đó là việc đánh giá lại văn học Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa, trước năm 1945, qua đó nhiều tên tuổi, tác phẩm vốn đã bị lãng quên, đã lại được văn học Việt Nam công nhận và nhận được sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu.

Trong khi đó, bà Ekaterina Starikova - Giảng viên khoa nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Trường khoa học xã hội và nhân văn St. Peterburg đánh giá cao nghị quyết được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua năm 1998 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.”

Theo bà Ekaterina, một trong những điểm đáng chú ý của nghị quyết này là việc duy trì và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Tại Hội thảo, bà Vũ Thụy Trang đã thông báo khái quát đến các đại biểu tham dự những thành tựu trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đạt được sau 30 năm tiến hành đổi mới như một chế độ chính trị ổn định nhất trong khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và chắc chắn.

Theo bà Trang, tình hình thế giới có nhiều biến động và ít nhiều tác động tới Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn luôn thể hiện rõ vai trò và vị thế của mình trong khu vực, ngày càng mở rộng ảnh hưởng chính trị bằng việc nâng quan hệ với nhiều nước lên mức đối tác chiến lược./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục