Các học giả Nga đề cao quan hệ hợp tác với ASEAN, Việt Nam

Các chuyên gia Nga đều có chung nhận định về tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược hướng Đông của Nga.
Các học giả Nga đề cao quan hệ hợp tác với ASEAN, Việt Nam ảnh 1Quang cảnh buổi đối thoại. (Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)

Hội thảo bàn tròn chủ đề "Đối tác đối thoại Nga-ASEAN: Triển vọng hợp tác" nhằm chuẩn bị cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác giữa Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2016 vừa diễn ra tại thủ đô Moskva, với sự tham gia của nhiều học giả có uy tín tại Nga.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Phương đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), ông Dmirty Mosiakov cho rằng ASEAN là khối hội nhập thành công nhất ở châu Á với dân số 600 triệu người, có vai trò địa chính trị, địa kinh tế quan trọng và là một trung tâm quyền lực quan trọng về kinh tế và chính trị.

Ông Mosiakov nhận định Nga đương nhiên cần phát triển quan hệ với ASEAN để Nga đa dạng hóa mối quan hệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời giúp duy trì hòa bình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Học giả Ekaterina Kollunova, phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Phương Đông thuộc Đại học Ngoại giao Quốc gia Moskva (MGIMO) trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược hướng Đông của Nga.

Còn chuyên gia cao cấp về Khu vực kinh tế đối ngoại thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISI), bà Ekaterina Sharova cho rằng Nga cần đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại vì kim ngạch trao đổi thương mại với châu Âu chiếm tới 50% tổng kim ngạch trao đổi thương mại là rủi ro lớn trong bối cảnh Nga bị Phương Tây cấm vận như hiện nay.

Đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của hợp tác với Việt Nam, ông Mosiakov cho rằng dù kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước không lớn, chỉ khoảng hơn 3 tỷ USD, song Việt Nam và Nga có quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, vốn có vai trò quan trọng trong sự phát triển tiếp theo, như hợp tác về quân sự, dầu khí, du lịch và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Ngoài ra Việt Nam cũng là nước có quan hệ chính trị truyền thống và là nước hàng đầu trên thế giới có thiện cảm với Nga với 70% người dân có cảm tình với nước Nga và ủng hộ tăng cường quan hệ với Nga.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề cập đến sự kiện Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), trong đó có sự tham gia của Nga và cho rằng cần thúc đẩy hiệp định này trong năm 2016.

Hiệu trưởng Học viện Kinh tế và Pháp lý Moskva, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, ông Vladimir Buianov cho rằng tuy Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Nga song hai nước cần tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương Việt-Nga chỉ ở mức hơn 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ là khoảng 35 tỷ USD, với Trung Quốc khoảng 58 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.