Học phí tăng, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân "chóng mặt" làm thêm

Tăng cường đi làm thêm, cố gắng học để không phải học lại, cố gắng để ra trường sớm… là những giải pháp được các sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra khi học phí năm học tới sẽ tăng.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tăng cường đi làm thêm, cố gắng học để không phải học lại, cố gắng để ra trường sớm… là những giải pháp được các sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra khi học phí năm học tới sẽ tăng.

Cụ thể, năm học 20162-107 tới, học phí các ngành của sinh viên trường này sẽ tăng gần 30% so với năm học trước. Học phí cao nhất là của K57 và K58 (khóa sẽ tuyển sinh năm 2016), các ngành  Kế toán tổng, Kiểm toán, Kinh tế đầu tư và Kinh tế quốc tế, Tài chính doanh nghiệp có mức học phí lên 530.000 đồng/tín chỉ, tăng 115.000 đồng/tín chỉ so với mức học phí của năm ngoái là 415.000 đồng/tín.

Học phí của các ngành khác cũng tăng từ 70.000 đồng đến 95.000 đồng/tín chỉ.

Đa số sinh viên cho biết các em có biết thông tin việc học phí sẽ tăng theo từng năm, nhưng không nghĩ mức tăng lên đến gần 30% so với năm trước.

“Năm ngoái, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, qua các anh chị khóa trên, em có biết là trường chuyển sang tự chủ tài chính, học phí của trường sẽ tăng tối đa 30% mỗi năm, nhưng em không nghĩ là tăng gần kịch trần như thế,” Phương Anh, sinh viên K57 chia sẻ.

Phương Anh cho biết, học phí của em năm tới sẽ là 450.000 đồng/tín chỉ. Với mức học phí này, nếu đăng ký ở mức tối thiểu là 18 tín chỉ một kỳ thì học phí là 8,1 triệu/kỳ, 16,2 triệu/năm. Thông thường, mỗi sinh viên đăng ký ở mức trên 20 tín chỉ, học phí theo đó sẽ lên đến 17-18 triệu đồng/năm.

“Em sẽ cố gắng để không phải thi lại và tranh thủ đi làm thêm để có thu nhập bù vào tiền học phí,” Phương Anh chia sẻ.

Cô sinh viên này cũng cho biết, ngay từ năm thứ nhất em đã đi làm thêm việc chạy bàn ở các nhà hàng. “Nhưng năm tới, học phí tăng, em cũng sẽ phải tìm cách để thu nhập từ làm thêm tốt hơn nữa,” Phương Anh nói.

[Đại học Kinh tế quốc dân lên tiếng về việc tăng học phí]

Đi làm thêm cũng là giải pháp được Thảo, sinh viên K47, ngành Kinh tế phát triển, lựa chọn.

Thảo cho biết, so với các trường khác, mức học phí 355.000 đồng/tín chỉ của năm ngoái ở trường em đã khá cao, nên ngay sau khi nhập học, em đã đi làm thêm.

“Em làm nhiều việc để có thêm tiền trang trải việc học như thu ngân rạp chiếu phim, gia sư, phụ vụ bàn, mỗi tháng được khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu, tùy công việc. Năm nay học phí lại tăng lên 450.000 đồng/tín chỉ. Em chưa dám nói với bố mẹ việc trường tăng học phí vì sợ bố mẹ sẽ bị áp lực tài chính lớn hơn. Em dự định sẽ làm thêm nhiều hơn để có thể tự lo khoản tiền tăng lên này,” Thảo chia sẻ.

Với Hằng, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, những ngày hè, thay vì về quê như bạn bè, em đang ở lại Hà Nội để làm việc cho một công ty bảo hiểm. 

“Đi làm, vừa giúp em học hỏi thêm được kinh nghiệm, kỹ năng, đồng thời có chút tích lũy cho năm học tới, nhất là khi học phí sẽ tăng lên. Em có dự định đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoài trường, nhưng với mức tăng học phí này, em sẽ phải cân nhắc hơn. Em cũng sẽ cố gắng cân bằng việc học để có thể vừa học, vừa làm,” Hằng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục