Đầu tư phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ góp phần cho các thế hệ trẻ hiểu để bảo tồn được bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc mà còn giúp các em tự tin ngẩng cao đầu tự hào về nguồn cội của mình ở nơi xa quê.
Thực tế, vài năm trở lại đây Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm và có chính sách hỗ trợ phát triển tiếng Việt cho kiều bào. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn về vấn đề này.
Truyền thông với tiếng mẹ đẻ
- Xin Thứ trưởng cho biết ông đánh giá thế nào về vai trò và hiệu quả của truyền thông trong và ngoài nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và với việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài nói riêng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí ở trong nước và nước ngoài đều hết sức quan trọng.
Vì báo chí trong nước góp phần giúp nhân dân trong nước thấy được trách nhiệm của mình phải hỗ trợ cho bà con bên ngoài để làm sao cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không những hiểu rõ, hiểu sâu, biết nhiều về văn hóa, lịch sử dân tộc mà các thế hệ trẻ kiều bào thứ ba, thứ tư phải giỏi tiếng Việt.
Còn vai trò của báo chí truyền thông ở nước ngoài lại khơi dậy tinh thần yêu nước, khơi dậy tính tự hào cội nguồn và làm cho bà con hiểu rõ hơn ý nghĩa, mục đích của tiếng Việt trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.
Báo chí là cầu nối gắn rất chặt chẽ giữa cộng đồng người Việt Nam bên ngoài với các cơ quan truyền thông trong nước để bổ trợ cho nhau những biện pháp hỗ trợ các cháu có thể nắm bắt được tiếng Việt trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất và phong trào giảng dạy tiếng Việt lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng người Việt Nam ở bên ngoài. Nó lan tỏa rộng, bắt rễ sâu và phát triển mạnh chính là nhờ thông tin kịp thời của truyền thông.
Tôi đánh giá cao vai trò của truyền thông báo chí trong công tác củng cố, bảo tồn và phát triển văn hóa nói chung trong đó có tiếng Việt nói riêng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đó cũng là vai trò chủ đạo để bà con cô bác chúng ta tiếp cận với thông tin, tiếp cận với những chương trình chế độ chính sách mà Đảng và Nhà nước đang ngày càng mở rộng hơn và chú ý hơn tới việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc ở bên ngoài cũng như đưa hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, thành tựu của đất nước ra với bạn bè quốc tế. Nếu thế hệ trẻ không có tiếng Việt, không hiểu tiếng Việt cũng như văn hóa, lịch sử thì các cháu rất thiệt thòi.
Truyền thông báo chí ở bên ngoài cũng như bên trong trước hết phải đưa tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của vấn đề giảng dạy tiếng Việt và phát triển, củng cố, bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để cho bà con thấy rõ được ý nghĩa sâu sắc của nó.
Bởi thực tế bà con ta đa số đang phải lo làm ăn để ổn định cuộc sống, mặc dù đại đa số vẫn rất quan tâm đến cội nguồn dân tộc và hướng con cháu của mình về với cội nguồn dân tộc, với truyền thống nhưng vẫn có rất nhiều gia đình do cuộc sống bươn trải đã quên đi mất một nghĩa vụ rất thiêng liêng và có ý nghĩa cao đẹp là làm sao cho con cháu mình biết được cội nguồn thông qua tiếng Việt.
- Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chúng ta cần biện pháp cụ thể nào?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Cơ quan của chúng tôi là Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ ngoại giao phải có nghiên cứu, đánh giá cho thật sâu hơn, sát thực hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào, trên cơ sở đó tham mưu Chính phủ những chính sách để giúp cho bà con có thêm những điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất...
Ở một số nơi chúng ta cũng đã xây được trường học tiếng Việt như ở Lào, Campuchia... Chúng ta đã giúp bà con những nơi khó khăn xây trường học, xây thư viện, cung cấp giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở đó phải có kế hoạch bồi dưỡng hoặc cử những đội sinh viên tình nguyện hiện nay đang học ở các trường Đại học theo con đường mà Nhà nước cử ra nước ngoài để các em trở thành những giáo viên tình nguyện. Các em vừa là sinh viên vừa là giáo viên giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rồi từ đó nhân rộng số lượng giáo viên không chuyên trong cộng đồng lên.
Với sách giáo khoa, tài liệu, giáo cụ trực quan... cần phải hướng dẫn để các cháu tiếp thu nhanh hơn ngôn ngữ tiếng Việt. Bởi nếu các cháu đã quen với ngôn ngữ địa phương nơi các cháu đang sinh sống thì việc học thêm một ngoại ngữ thực sự là một vấn đề không nhỏ.
Tôi cho rằng, khi các cháu xác định được rõ mục đích, nhiệm vụ của mình với sự hỗ trợ cần thiết, đúng lúc, kịp thời cũng như sát thực tế của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, nhân dân chúng ta thì chắc chắn thế hệ trẻ thứ ba, thứ tư người Việt Nam ở nước ngoài sẽ có khả năng nắm bắt tiếng Việt tốt và họ xứng đáng với truyền thống của ông cha để lại. Họ sẽ là lực lượng bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc tốt nhất ở bên ngoài.
Tiếng Việt: Niềm tự hào nguồn cội
- Ông đánh giá thế nào về sự chuyển biến trước và sau khi có Nghị quyết số 36 của Bộ Chinh trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài chúng ta đã có sự chú ý, quan tâm từ lâu, kể cả trong thời kỳ đất nước có chiến tranh và xa hơn nữa từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đi qua Pháp, Đức, Nga... Bác đều xây dựng các tổ chức Việt kiều yêu nước nhằm làm cầu nối với nhân dân trong nước nhằm duy trì sự ủng hộ lẫn nhau để chúng ta tiến tới ngày độc lập, thống nhất đất nước.
Trước Nghị quyết 36, chúng ta chưa có nhiều chế độ với bà con kiều bào, công tác giảng dạy tiếng Việt cũng như việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu do bà con chúng ta với tấm lòng yêu nước, với tinh thần hướng về cội nguồn tự các gia đình, tự các hội đoàn làm.
Nhưng sau khi Nghị quyết 36 ra đời chúng ta đã có bước tiến mạnh hơn nhờ những định hướng cụ thể về chiến lược đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với từng thế hệ, trong đó có liên kết cộng đồng, xây dựng chế độ chính sách, đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đi với phát triển và nâng cao trình độ tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài...
Sắp tới đây chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 36. Đây cũng là giai đoạn chúng ta làm được rất nhiều việc, đặc biệt là đã gắn kết cộng đồng người Việt Nam bên ngoài thành một khối. Có thể nói tuyệt đại đa số bà con chúng ta đã hướng về đất nước với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Bà con cô bác chúng ta rất tự hào về cội nguồn dân tộc của mình và đặc biệt những tình cảm, truyền thống này đã được truyền lại cho thế hệ trẻ thứ ba, thứ tư. Có rất nhiều gia đình có ý thực tự bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc theo quan niệm và truyền thống của gia đình, dòng họ mình.
Tôi nghĩ rằng cùng với những chính sách phù hợp của Đảng và Chính phủ chúng ta trong những năm vừa qua từ quốc tịch, xuất nhập cảnh, nhà ở, đất đai cho đến luật đầu tư đã tạo cho bà con sự phấn khởi.
- Và việc phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ cũng chính là cách khơi dậy niềm tự hào về cội nguồn dân tộc trong cộng đồng thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài...
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Đây là một chiến lược hết sức quan trọng mà Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm, việc làm sao để bảo tồn và phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ tiếng Việt cho các thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra ở nước ngoài có thể biết về dân tộc, biết về truyền thống đấu tranh giải phóng đất nước hào hùng của thế hệ ông cha, biết về bản sắc văn hóa hàng ngàn năm lịch sử... để các cháu có quyền tự hào về cội nguồn dân tộc.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã nếu rất rõ các định hướng, trong đó chiến lược phát triển giảng dạy tiếng Việt và đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với những thành tựu trong hàng chục năm qua của chúng ta ra bên ngoài thông qua mạng lưới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, thế hệ trẻ sinh viên kiều bào bây giờ rất giỏi ngoại ngữ, các cháu nắm rất chắc những tiến bộ khoa học công nghệ cao, nếu các cháu hiểu về đất nước, cội nguồn dân tộc thông qua tiếng mẹ đẻ các cháu sẽ là những hạt nhân tích cực và hiệu quả nhất để đưa hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài và gắn kết chúng ta với các quốc gia nơi các cháu đang sinh sống.
Sắp tới đây chúng tôi tổng kết 10 năm Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, chúng ta đánh giá cao những thành tựu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để thời gian tới có thêm nhiều chế độ chính sách mới đối với bà con kiều bào.
Vấn đề bảo tồn, phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa trong đó có sự trong sáng, lan tỏa của ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không phải chỉ bằng những hóa giải, không phải chỉ bằng một số cuốn sách giáo khoa mà tôi cho rằng chúng ta phải tích cực đưa các cháu thanh niên, thế hệ trẻ về nước thông qua các hoạt động của chúng tôi như các festival thanh niên, sinh viên kiều bào khắp nơi trên thế giới, các trại hè dành cho các cháu, hoặc chúng ta tổ chức cho các cháu giao lưu với nhau theo từng khu vực để các cháu có thể gắn kết.
- Xin cảm ơn ông./.