Hồi chuông cảnh báo đại dịch COVID-19 từ nước Mỹ

Những con số đáng báo động cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, bởi nước Mỹ phát hiện ca nhiễm đầu tiên từ ngày 21/1/2020.
Hồi chuông cảnh báo đại dịch COVID-19 từ nước Mỹ ảnh 1Một điểm xét nghiệm COVID-19 miễn phí tại Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nước Mỹ vừa đánh dấu ngày có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới cách đây hơn 5 tháng, trên 53.000 ca.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, chỉ trong vòng 24 giờ tính đến tối 2/7, nước Mỹ ghi nhận thêm 53.069 người nhiễm virus SARS-CoV-2, còn theo thống kê của hãng tin Reuters (Anh), con số này thậm chí còn cao hơn, tới 55.274 ca mắc mới.

Đáng lưu ý, đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ vượt con số 50.000, khi ngày 1/7 đã ghi nhận thêm 52.898 ca mắc mới trong vòng 24 giờ.

[Thế giới có gần 11 triệu ca mắc COVID-19, Mỹ chịu tác động mạnh nhất]

Những con số đáng báo động này cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, bởi nước Mỹ phát hiện ca nhiễm đầu tiên từ ngày 21/1/2020.

Thực tế là số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ đang tăng đột biến trong những ngày gần đây.

Hai tuần trước, số ca mắc mới tại Mỹ ở mức khoảng 22.000 ca/ngày, nhưng trong 7 ngày qua, con số này luôn hơn 40.000 ca/ngày, thậm chí tháng Bảy đã lên hơn 52.000 ca/ngày (từ 42.528 ca của ngày 30/6). Số ca mắc mới tăng ở 37 trên tổng số 50 bang của Mỹ.

Tuy nhiên, kịch bản xấu này đã được giới chuyên gia y tế cảnh báo trước trong bối cảnh Mỹ đang từng bước thúc đẩy tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), ngày 30/6 đã nhận định tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại trong cộng đồng.

Chuyên gia này dự báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở Mỹ có thể lên tới 100.000 trường hợp mỗi ngày nếu như quốc gia này không thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp khác.

Việc mở cửa nền kinh tế từng bước có thể giúp tỷ lệ tuyển dụng lao động và chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ tăng trong tháng Năm và tháng Sáu, nhưng điều này cũng đặt ra những thách thức mới về kiểm soát đại dịch.

Hồi chuông cảnh báo đại dịch COVID-19 từ nước Mỹ ảnh 2Người dân di chuyển trên đường phố tại New York, Mỹ ngày 25/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Diễn biến này không những gây phức tạp cho tiến trình mở cửa trở lại mà còn tạo ra thách thức lớn đối với tiến trình tranh cử của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, bởi những tác động của dịch bệnh kéo dài đang làm trầm trọng thêm những hậu quả về kinh tế.

Chính quyền Tổng thống Trump vốn đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” lại càng phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra biện pháp tối ưu nhằm đối phó với nguy cơ ngày càng hiện hữu của đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai và ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng của kinh tế Mỹ do đại dịch nguy hiểm này.

Từ khi mở cửa trở lại nền kinh tế hơn 1 tháng trước, Mỹ đã ghi nhận một số kết quả tích cực. Đó là việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6/2020 khi nhiều doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu nối lại hoạt động, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 11,1%, từ mức kỷ lục là 14,7% trong tháng Tư, khi COVID-19 tác động đến nền kinh tế Mỹ, khiến khoảng 22 triệu việc làm đã mất trong tháng Ba và tháng Tư.

Như vậy, lượng việc làm tạo ra trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia. Đặc biệt, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như giải trí và khách sạn đóng góp gần một nửa số việc làm được tạo ra của tháng 6.

Thông tin tích cực trên thị trường việc làm đã góp phần vực dậy lòng tin của các nhà đầu tư, thể hiện qua việc các chỉ số chủ lực trên sàn chứng khoán phố Wall bật tăng khi mở cửa phiên giao dịch ngày 2/7.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,4% lên mức 26.105,07 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq tiến 1% lên mức 10.154,63 điểm - mức cao nhất trong lịch sử, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên mức 3.152,54 điểm.

Mặc dù vậy, khi số ca mắc COVID-19 hằng ngày tăng mạnh vào cuối tháng Sáu, đặc biệt là ở các bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ, chính quyền nhiều bang đã phải dừng hoặc đảo ngược lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, và buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa thêm một lần nữa.

Điều này có thể tác động xấu tới thị trường việc làm, từ đó có thể kéo giảm đà tăng của thị trường chứng khoán, khiến những tín hiệu khả quan về kinh tế mới manh nha sẽ trở nên mong manh và không chắc chắn nếu chính quyền Tổng thống Trump không có giải pháp kịp thời và hiệu quả hơn nữa.

Về tiến trình bầu cử, trong bối cảnh đa số kết quả thăm dò mới đây đều cho thấy Tổng thống Trump đang bị ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden dẫn điểm, hiện tượng tăng đột biến những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 những ngày qua được xem là một trong những yếu tố làm gia tăng lợi thế của ông Biden so với Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò sắp tới.

Mặc dù vậy, còn quá sớm để khẳng định rằng ông Biden chiếm ưu thế hơn so với Tổng thống Trump, bởi còn nhiều yếu tố tác động.

Thứ nhất, khả năng điều hành nền kinh tế đến nay vẫn được xem là thế mạnh Tổng thống ông Trump, và quyết định của ông chủ Nhà Trắng mở cửa trở lại nền kinh tế cũng được một bộ phận cử tri ủng hộ.

Trong thời gian qua, biện pháp đóng cửa nền kinh tế một mặt nhằm ngăn chặn đà bùng phát của dịch COVID-19, mặt khác lại vô tình trở thành "phép thử" đối với sự kiên nhẫn của các cử tri Mỹ.

Khá nhiều người dân Mỹ có quan điểm thiên về việc mở cửa kinh tế, bởi đối với họ, thất nghiệp thậm chí còn gây ra lo ngại hơn so với nguy cơ mắc COVID-19.

Tâm lý bất ổn của người dân còn dẫn một số cuộc biểu tình trên quy mô nhỏ đòi mở cửa trở lại nền kinh tế. Do đó, đến nay, bất chấp tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng ở cấp độ báo động, quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế không hẳn là yếu tố tạo bất lợi cho Tổng thống Trump.

Thứ hai, ông Trump đang thể hiện rõ bản lĩnh tranh cử. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trở lại, Tổng thống Trump ngay lập tức đã tỏ thái độ lạc quan rằng "Mỹ sẽ sớm có một loại vắcxin hiệu quả để phòng bệnh COVID-19" bởi theo khẳng định của ông, Mỹ hiện "có 3 loại vắcxin tiềm năng đặc biệt khả quan."

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đánh giá cao báo cáo của chính phủ về số việc làm gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm, coi đó là “những con số lịch sử.”

Rõ ràng những đánh giá này, đi kèm những dẫn chứng cụ thể và đáng tin cậy được công bố đúng thời điểm mà cử tri Mỹ đang kỳ vọng nhất về kinh tế và việc làm, cũng có thể là một trong những yếu tố giúp ông Trump ghi điểm trong mắt các cử tri Mỹ, nhất là những người lao động và giới doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là sự bùng phát đột biến của dịch COVID-19 những ngày gần đây là hồi chuông cảnh bảo, cho thấy Tổng thống Trump sẽ còn nhiều việc phải làm để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh này, đồng thời duy trì được tiến trình mở cửa trở lại.

Những dấu hiệu khả quan hơn về kinh tế không thể làm lu mờ tâm lý hoang mang của người lao động, nhất là những người lao động phổ thông và dịch vụ bởi họ là nhóm đối tượng có nguy cơ phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều “mầm bệnh” nhất trong xã hội Mỹ hiện nay.

Hồi chuông cảnh báo đại dịch COVID-19 từ nước Mỹ ảnh 3Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại New York, Mỹ ngày 15/5 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện hơn 10 bang ở Mỹ đã phải đảo ngược hoặc dừng các kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại, và con số này chắc chắn còn tăng khi số ca nhiễm mới hằng ngày vẫn liên tiếp ghi nhận "các mức cao kỷ lục."

Làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ "xóa sổ" mọi kết quả kinh tế đạt được, và khiến quá trình phục hồi vốn đã khó khăn của nền kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều rủi ro hơn, bởi sản lượng và tỷ lệ việc làm tại Mỹ hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Giới chuyên gia nhận định con đường phía trước của nền kinh tế Mỹ vô cùng bất ổn và sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng khống chế virus SARS-CoV-2.

Hiện một số bang ở Mỹ đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn COVID-19, mới nhất là bang Texas, một trong các điểm nóng mới của đại dịch ở Mỹ, đã ban hành lệnh hành pháp bắt buộc người dân phải che mặt ở các nơi công cộng, cấm các cuộc tụ họp quá 10 người, bắt buộc phải giữ khoảng cách xã hội là 2m và sẽ phạt tiền những người vi phạm.

Tuy nhiên, tình trạng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước Mỹ đang tăng mạnh trên diện rộng như hiện nay đang đặt ra thách thức lớn, buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải tìm ra chính sách ứng phó dịch bệnh hiệu quả ở cấp độ liên bang, nếu không muốn diễn biến dịch vượt tầm kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục