Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về cuộc khủng hoảng Sudan

Đại sứ Đức tại Hội đồng Bảo an Christoph Heusgen bác bỏ kế hoạch của Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp Sudan (TMC) về việc tổ chức bầu cử trong 9 tháng tới.
Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 17/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp kín để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Sudan sau khi lãnh đạo quân đội nước này vừa công bố kế hoạch tổ chức bầu cử.

Cuộc họp được tiến hành theo đề xuất của Đức và Anh trong bối cảnh tình trạng bạo lực ở quốc gia Bắc Phi này đang có xu hướng gia tăng.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đức tại Hội đồng Bảo an Christoph Heusgen hối thúc các bên quay lại ngay bàn đàm phán, đồng thời cho rằng “công lý không thể đến từ nòng súng."

[Sudan: Nổ súng bắn chết người biểu tình gần trụ sở của Bộ Quốc phòng]

Ông bác bỏ kế hoạch của Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp Sudan (TMC) về việc tổ chức bầu cử trong 9 tháng tới, vì cho rằng hiện nay Sudan không có đủ điều kiện để tổ chức bầu cử và rằng kế hoạch của TMC là “thiếu dân chủ.”

Cùng ngày, Mỹ, Anh và Na Uy đã ra tuyên bố chung lên án kế hoạch tổ chức bầu cử của TMC và kêu gọi lực lượng này chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự theo yêu cầu của người dân.

Tuyên bố nói rõ TMC đang đặt quá trình chuyển tiếp và nền hòa bình Sudan vào tình trạng nguy hiểm, trong khi người dân Sudan xứng đáng được hưởng một tiến trình chuyển đổi có trật tự và do một chính quyền dân sự lãnh đạo để thiết lập điều kiện cho một cuộc bầu cử tự do, công bằng.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh tại Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp, khi có hơn 35 người thiệt mạng do bị quân đội dùng vũ lực giải tán biểu tình ở bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng hôm 3/6 vừa qua.

Ngay sau vụ việc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án việc sử dụng vũ lực quá mức ở Sudan, đồng thời kêu gọi TMC và người biểu tình nối lại đàm phán về việc chuyển giao quyền lực hòa bình cho nhân dân.

Đã nhiều tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11/4, an ninh tại nước này vẫn bất ổn và hàng nghìn người dân vẫn tiếp tục biểu tình đòi TMC chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước.

Người biểu tình và TMC cũng đã nhiều lần tiến hành đàm phán nhưng chưa thống nhất được về những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp, một bước đệm để quân đội chính thức chuyển giao chính quyền cho người dân.

Nguyên nhân do TMC muốn nắm quyền kiểm soát hội đồng này, trong khi lực lượng biểu tình lại muốn đa số ghế phải thuộc về người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục