Hội đồng Tổng thống Bosnia và Herzegovina đề cử nữ Thủ tướng

Theo quy định, các nghị viện của Bosnia và Herzegovina sẽ có thời gian 30 ngày để bỏ phiếu đối với đề cử nữ chính trị gia sắc tộc Croatia Borjana Kristo làm Thủ tướng.
Hội đồng Tổng thống Bosnia và Herzegovina đề cử nữ Thủ tướng ảnh 1Bà Borjana Kristo. (Nguồn: Dnevnik)

Hội đồng Tổng thống Bosnia và Herzegovina ngày 22/12 đã đề cử nữ chính trị gia sắc tộc Croatia Borjana Kristo làm Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10 tại quốc gia Balkan này.

Bà Borjana Kristo, 61 tuổi, là Phó Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ).

Trong suốt 27 năm hoạt động chính trị, nữ chính trị gia này từng giữ cương vị Tổng thống Liên bang Hồi giáo-Croatia - một trong hai thực thể cấu thành Bosnia và Herzegovina, Phó Chủ tịch nghị viện cả cấp độ khu vực và quốc gia.

Bà từng chạy đua với chính trị gia ôn hòa Zeljko Komsic để giành ghế Tổng thống đại diện cho sắc tộc Croatia nhưng thất bại.

Tổng thống Komsic đã bỏ phiếu chống lại việc đề cử bà Kristo với lý do nữ chính trị gia này không đưa ra được chương trình hành động của một Thủ tướng được đề cử.

Trong khi đó, hai thành viên còn lại của Hội đồng Tổng thống Bosnia và Herzegovina, gồm Tổng thống đại diện cho sắc tộc Serbia và Tổng thống đại diện cho người Hồi giáo Bosnia, đã bỏ phiếu ủng hộ bà Kristo.

Theo quy định, các nghị viện của Bosnia và Herzegovina sẽ có thời gian 30 ngày để bỏ phiếu đối với đề cử bà Kristo.

Thủ tướng được đề cử Kristo tuyên bố bà sẽ lãnh đạo một Chính phủ quốc gia làm việc chăm chỉ để bắt đầu lại quá trình hội nhập Liên minh châu Âu (EU).

[Bosnia-Herzegovina bầu cử trong bối cảnh chia rẽ sắc tộc sâu sắc]

Trước đó, ngày 15/12, lãnh đạo các nước thành viên EU đã thông qua quyết định trao tư cách quốc gia ứng viên cho Bosnia và Herzegovina.

Sau 6 năm chính thức nộp đơn xin gia nhập, đất nước ở vùng Balkan này đã trở thành quốc gia thứ 8 hiện là ứng viên cho tư cách thành viên EU.

Do hệ thống chính trị phức tạp, Bosnia và Herzegovina hiện mới có Hội đồng Tổng thống sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10 vừa qua.

Cộng hòa Serbia cũng đã kiện toàn Nghị viện và Chính phủ riêng của mình.

Trong khi đó, quá trình kiện toàn Nghị viện và Chính phủ của Liên bang Hồi giáo-Croatia cũng như ở cấp độ quốc gia đã bị chậm trễ do thủ tục phức tạp trong việc lựa chọn đại diện của mỗi nhóm sắc tộc tại Thượng viện.

Các đảng dân tộc chủ nghĩa của người Serbia, người Hồi giáo Bosnia và Croatia đã lên nắm quyền ở Bosnia và Herzegovina sau khi chiến tranh kết thúc.

Những tranh cãi giữa các bên đã làm đình trệ tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập EU của quốc gia Balkan này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.