Ngày 9/12, tại Hà Nội, Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình Hội đồng trẻ em."
Chương trình nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng về việc giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện xây dựng thí điểm mô hình "Hội đồng trẻ em".
Theo đề cương "Mô hình Hội đồng trẻ em" cấp tỉnh của Trung ương Đoàn, Hội đồng trẻ em là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương.
Hội đồng trẻ em họp định kỳ 2 lần/năm, trước kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.
Hoạt động của Hội đồng trẻ em tập trung vào các nội dung chính: Thực trạng thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em, những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương; Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương; Các vấn đề xã hội tại địa phương liên quan đến trẻ em.
Về hình thức, tiến trình hoạt động, trẻ em phát biểu, thảo luận, tranh luận theo mô hình một phiên làm việc của Hội đồng nhân dân. Mỗi năm một lần, gắn với kỳ họp cuối năm của Hội đồng trẻ em, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố làm việc với Hội đồng trẻ em, thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm; tiếp thu ý kiến của Hội đồng trẻ em để chỉ đạo thực hiện các kiến nghị trong năm tới.
Mô hình Hội đồng trẻ em đang được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để tìm ra phương án tối ưu, hiệu quả.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Long Hải cho biết Hội đồng Đội Trung ương sẽ triển khai xây dựng thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Yên Bái, dự kiến thành lập trong quý 3/2016.
Theo Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Long Hải, hiện nay trên thế giới, mô hình "Hội đồng trẻ em" đã được nhiều nước áp dụng và đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình về vấn đề các em quan tâm.
Tuy nhiên, để xây dựng mô hình "Hội đồng trẻ em" phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, nhiều vấn đề được đặt ra cần phải có những nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện về tính khả thi, sự cần thiết, vai trò của "Hội đồng trẻ em" đối với trẻ em và việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại địa phương.
Bà Nguyễn Lan Minh, chuyên gia cao cấp về truyền thông và quyền tham gia của trẻ em nhận định: Hiện nay các hoạt động của trẻ em thường bó hẹp trong khuôn khổ nhà trường theo chương trình hành động hàng năm của Đoàn, Đội, nhà trường.
Hệ thống câu lạc bộ cho trẻ em trong thời gian qua đã phát triển, tạo môi trường cho trẻ em tham gia các hoạt động sở thích, hoạt động xã hội. Tuy nhiên, đánh giá chung thì trẻ em Việt Nam còn ít cơ hội để thể hiện tiếng nói của mình về thực thi và bảo vệ quyền trẻ em.
Tuy là chủ thể của quyền nhưng hạn chế lớn nhất là trẻ em ít có quyền giám sát việc người lớn thực hiện các quyền của trẻ em như thế nào. Vì vậy, mô hình trẻ em phải để các em đối thoại, giám sát, kiến nghị với các cơ quan chức năng liên quan ến các vấn đề về trẻ em.
Nếu mô hình "Hội đồng trẻ em" được triển khai thành công, sẽ thêm cơ hội cho trẻ em Việt Nam nói lên tiếng nói của mình, chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, để mô hình hiệu quả, thực chất, phải trả lời được các câu hỏi: Trẻ em muốn gì, trẻ em muốn làm như nào và người lớn hỗ trợ các em như thế nào để hoạt động hiệu quả?
Bà Nguyễn Lan Minh nhấn mạnh, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng trẻ em cần tôn trọng tính tự nguyện tham gia của trẻ em và tính dân chủ trong việc lựa chọn, đề cử đại diện của trẻ em và của các nhóm trẻ em khác nhau.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện tối đa, hợp lý để trẻ em tham gia hoạt động và rất cần tránh sự áp đặt, lựa chọn, chỉ định từ phía người lớn nếu không "Hội đồng trẻ em" lại rơi vào hình thức và sẽ không phát triển bền vững được.
Em Trần Thị Thu Trang, học sinh trường Trung học cơ sở Trọng Điểm (Quảng Ninh) bày tỏ, nhiều người lớn khi đối xử với trẻ em thường chỉ muốn trẻ "dùng tai" chứ không muốn trẻ "dùng miệng" thường áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ.
Trẻ em luôn mong muốn có nơi để nói lên suy nghĩ của mình để người lớn, các nhà lãnh đạo lắng nghe một cách nghiêm túc những mong muốn chính đáng của trẻ em. Hiện nay, trẻ em ngày càng được quan tâm nhiều hơn, được tham gia vào nhiều hội thi, diễn đàn, câu lạc bộ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tham gia các hoạt động xã hội.
Em Nguyễn Thị Thu Trang mong muốn mô hình sớm được hoàn thiện và thông qua để trẻ em có môi trường để đối thoại với Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia ý kiến vào những vấn đề của địa phương, của đất nước, đặc biệt trong việc xây dựng pháp luật và các văn bản, chính sách liên quan đến trẻ em./.