Hội hữu nghị Việt Nam-Đức đón Huân chương Lao động hạng Nhất

Huân chương Lao động hạng Nhất là phần thưởng cao quý của Nhà nước nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả trong 30 năm qua của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Huân chương Lao Động hạng Nhất cho Hội Hữu nghị Việt Nam-Đức. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 21/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Đức; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng; Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức Vũ Huy Hoàng; ông Hanns-Joerg Brunner, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; cùng đông đảo đại diện các cơ quan hữu quan và hội viên Hội hữu nghị Việt Nam-Đức.

Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội hữu nghị Việt Nam-Đức nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả trong 30 năm qua của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức.

Gửi tới các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các hội viên Hội hữu nghị Việt Nam-Đức lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận, ngay từ khi mới thành lập năm 1985, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức đã thực hiện sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại nhân dân, vận động các tổ chức bạn bè và nhân dân Đức, hướng dư luận Đức tiếp tục quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ công cuộc tái thiết của Việt Nam sau chiến tranh, trong đó có cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Trải qua 30 năm phát triển và trưởng thành, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Đức; góp phần thúc đẩy không ngừng quan hệ giữa hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong gần 30 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện, được cộng đồng quốc tế trân trọng, đánh giá cao. Thế và lực của đất nước lớn mạnh không ngừng nhưng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn đứng trước thời cơ đan xen thách thức.

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu mới về công tác ngoại giao nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng. Vì vậy, hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức cần được đẩy mạnh, đổi mới về phương thức, nâng cao hơn nữa về chất lượng, hiệu quả và tính thiết thực, phát huy hết tiềm năng của 100.000 người Việt đã học tập ở Đức để góp phần tích cực hơn nữa vào việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân hai nước và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi tập thể Ban lãnh đạo, Ban Chấp hành và hội viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức cần phát huy thế mạnh, đoàn kết, nỗ lực quyết tâm phấn đấu xây dựng, phát triển Hội hữu nghị Việt Nam-Đức ngày càng vững mạnh.

Tại buổi lễ, giáo sư-tiến sỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam-Đức Hoàng Văn Huây phát biểu nhấn mạnh, năm 2015 còn là một năm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ hai nước Việt Nam-Đức. Cách đây 40 năm, vào ngày 23/9/1975, hai nước Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Đức.

Về quan hệ chính trị, sự tin cậy giữa hai bên được nâng lên một tầm cao mới, trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Về kinh tế-thương mại, từ nhiều năm qua, Đức đã trở thành đối tác kinh tế-thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) với tổng kim ngạch thương mại là 7,8 tỷ USD.

Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Đức tại Đông Nam Á, với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo cùng thị trường tiêu dùng lớn, Việt Nam trở thành thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Đức.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam cũng là một đối tác hợp tác phát triển quan trọng của Đức. Từ năm 1990 tới nay, Đức đã hỗ trợ Việt Nam nhiều dự án phát triển với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ Euro.

Sự gắn kết và thấu hiểu về văn hóa giữa hai đất nước, hai dân tộc chính là cơ sở cho mối quan hệ chính trị, kinh tế lâu dài giữa Việt Nam và Đức. Mối quan hệ giữa hai nước thể hiện qua con số rất nhiều người Việt Nam có cuộc đời gắn bó với nước Đức, là một quan hệ độc đáo có một không hai trong khu vực.

Hiện nay, có khoảng gần 130.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Đức và khoảng 100.000 người Việt Nam biết tiếng Đức đang sống ở Việt Nam. Họ chính là cầu nối quan trọng gắn kết hai nước, góp phần quảng bá, giới thiệu nền văn hóa của Việt Nam đến với nước Đức, người dân Đức và ngược lại, giúp Việt Nam hiểu hơn về đất nước, con người Đức.

Nhân dịp này, ông Hanns-Joerg Brunner, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phát biểu gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Hội hữu nghị Việt Nam-Đức; đánh giá cao thời gian qua Hội đã đóng góp tích cực vào các hoạt động nhằm củng cố và phát triển không ngừng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Đức, từ việc tăng cường quan hệ nhân dân, góp phần vào việc nâng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Đức trở thành quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức vào năm 2011./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục