Hội nghị lần thứ 20 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-20) được tổ chức tại Peru có thể kéo dài hơn dự kiến khi bước sang ngày làm việc cuối cùng, các nhà đàm phán đến từ 196 nước vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong một số vấn đề quan trọng nhằm hướng đến một hiệp định chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tối 12/12 (theo giờ Việt Nam), đại diện nước chủ nhà Peru đã yêu cầu các nhà đàm phán soạn thảo một văn bản trình bày những quan điểm khác nhau về 4 vấn đề "gai góc" gồm phạm vi của các cam kết về chống biến đổi khí hậu (hạn chế khí thải C02 hay cam kết về tài chính, chuyển giao công nghệ sạch và hỗ trợ các nước nghèo; sự minh bạch thông tin trong các bản báo cáo về quá trình thực hiện cam kết; công tác giám sát việc thực hiện các cam kết và cách thức duy trì những thành quả đạt được.
Trước những ý kiến và quan điểm khác nhau của các đại biểu, Bộ trưởng Môi trường nước chủ nhà Manuel Pulgar-Vidal đã nhất trí tạo điều kiện để các nhà đàm phán có thêm thời gian thảo luận để có thể đưa ra "các quyết định chính trị" quan trọng.
Giới quan sát đều bày tỏ lo ngại về một cam kết "mong manh và thiếu sự quyết tâm" của các nước.
Trong khi đó, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhận định đây là một thời điểm "khó khăn" của các nhà đàm phán tại Lima bởi mọi thứ hiện vẫn còn rất mơ hồ.
Trước đó cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc các nước tham dự hội nghị lắng nghe những cảnh báo của giới khoa học và nhanh chóng tiến tới ký kết một thỏa thuận khí hậu toàn cầu.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các nước có lượng khí thải lớn đặt mục tiêu rõ ràng và cụ thể về lượng khí thải cắt giảm - điều mà Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng kêu gọi bộ trưởng các nước tham dự COP-20 ngừng tranh cãi và đổ lỗi cho nhau để mau chóng tiến tới một thỏa thuận khí hậu và hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch trước năm 2050.
Hội nghị COP-20 diễn ra từ ngày 1-12/12 tại thủ đô Lima, Peru, với sự tham dự của các quan chức đến từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC).
Đây là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về khí hậu tại vòng thảo luận năm sau tại Pháp, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Hiệp định mới sẽ phải là một văn kiện tổng quan, tham vọng và mang tính ràng buộc pháp lý nhằm đưa cả Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế có lượng khí thải lớn - tham gia để có thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên hiện nay.
Tuy nhiên, như thường lệ, hiện các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn bất đồng về trách nhiệm trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như mức đóng góp tài chính để giúp những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của trình trạng Trái Đất ấm lên ứng phó hiệu quả với các tác động ngày càng mạnh từ tình trạng này./.