Ngày 23/10, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) khai mạc Hội nghị thường niên giám đốc và hiệu trưởng các học viện đào tạo ngoại giao các nước ASEAN+3 lần thứ 14 năm 2019 với chủ đề "Tăng cường hợp tác về đào tạo ngoại giao giữa các nước ASEAN+3: Hướng tới một cơ chế thực tiễn."
Tham dự Lễ khai mạc có Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm tầm nhìn APEC; Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; Đại sứ các nước ASEAN+3 tại Việt Nam và đại diện của các học viện đào tạo ngoại giao các nước ASEAN+3.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nhấn mạnh trong môi trường toàn cầu đang thay đổi ngày càng nhanh chóng hiện nay, ngoại giao cần phải thay đổi và đào tạo cán bộ ngoại giao cũng cần phải thích ứng với những thách thức mới đang nổi lên.
Ông Nguyễn Văn Thảo cũng đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực hợp tác quốc tế, khu vực trong công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đối ngoại.
Đại diện cơ quan đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 14 tại Việt Nam, tiến sỹ Phạm Lan Dung cho rằng Hội nghị giám đốc và hiệu trưởng các trường đào tạo ngoại giao ASEAN+3 đã trở thành một diễn đàn thảo luận và đối thoại có ý nghĩa và được đánh giá cao nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ ngoại giao của các nước trong khu vực.
[Việt Nam - thành viên chủ động, tích cực với sự phồn vinh của ASEAN]
Tiến sỹ Phạm Lan Dung cho biết bên lề hội nghị, lần đầu tiên Ban tổ chức đã tổ chức một khóa bồi dưỡng chung về "Quản lý khủng hoảng" và cũng là hoạt động đầu tiên nhằm triển khai hợp tác trong khuôn khổ của hội nghị.
Tiến sỹ Phạm Lan Dung hy vọng khóa học lần này sẽ mở đường cho các hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, cho rằng khi cả thế giới đều đang chuyển mình nhanh chóng trong thời đại kỷ nguyên số thì ngoại giao nói chung và công tác đào tạo ngoại giao nói riêng cũng cần phải có những thay đổi phù hợp, để phục vụ cho mục tiêu phát triển chung.
Đại sứ chỉ ra rằng là một công cụ của chính sách đối ngoại, ngoại giao đang có những biến chuyển trong thời đại số. Những biến chuyển này đòi hỏi các nhà ngoại giao phải thích nghi, áp dụng linh hoạt và cân bằng giữa ngoại giao truyền thống với “ngoại giao số."
Đặc biệt, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về các hoạt động chung nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo ngoại giao thời đại kỷ nguyên số giữa các nước ASEAN+3, tạo tiền đề cho những định hướng mới, thực chất trong tương lai.
Dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 23-24/10 tại Hà Nội với 5 phiên thảo luận về các sáng kiến: xây dựng cơ sở dữ liệu chung về chương trình và tài liệu đào tạo ngoại giao; xây dựng các khóa đào tạo ngoại giao và các chương trình thực tập chung; ứng dụng công nghệ vào đào tạo ngoại giao; các cơ chế hợp tác đào tạo giảng viên; xây dựng một cơ chế hợp tác hiệu quả và thực chất ở khu vực.
Nhân dịp Hội nghị lần thứ 14 năm nay, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Khóa bồi dưỡng “Quản lý khủng hoảng” dành cho nhà ngoại giao của các nước ASEAN+3, với sự tham gia giảng dạy của ba giảng viên là Đại tướng không quân Angus Houston (Australia) và tiến sỹ John Hemery (Anh), Đại sứ Jean Dunn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nghiên cứu Chính trị và Ngoại giao (Australia).
Hội nghị giám đốc và hiệu trưởng các trường đào tạo ngoại giao các nước ASEAN+3 là diễn đàn thường niên của các trường đào tạo cán bộ ngoại giao trong khu vực.
Hội nghị lần thứ 13 được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2018. Dự kiến, hội nghị lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Nhật Bản năm 2020./.