Trong hai ngày 15-16/3, tại thành phố Huế diễn ra hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 7 về đổi mới giáo dục với chủ đề “Đổi mới và thực hành tốt trong giáo dục theo quan điểm toàn cầu.”
Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu đến từ các trường đại học trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn xem việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học và công nghệ là một trong ba mũi đột phá chiến lược để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đặc biệt tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Năm 2015, khi cộng đồng các nước ASEAN hình thành sẽ thúc đẩy việc hợp tác trên các lĩnh vực đặc biệt là sự chuyển dịch lao động. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ chiến lược trong thập niên tới.
Hội nghị này có tầm ảnh hưởng lớn, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự liên quan đến việc phát triển giáo dục - vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Phó giáo sư, tiến sỹ Prawit Erawan, Trưởng Khoa Giáo dục (Đại học Mahasarakham, Thái Lan) chia sẻ: "Năm 2015, khi tất cả các nước Đông Nam Á trở thành một cộng đồng chung về kinh tế, chính trị an ninh, văn hóa xã hội, hội nghị trở thành nơi để thảo luận những vấn đề nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất thực hiện khẩu hiệu trong khối ASEAN 'Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng.' Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp của các nhà giáo dục trên thế giới nhằm cải thiện hệ thống giáo dục trong khối ASEAN."
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển giáo dục; đổi mới giáo dục, quản lý nguồn nhân lực giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế hệ thống giảng dạy, học tập điện tử, học tập trực quan.
Chương trình dạy và học hướng đến sự bền vững, nghiên cứu giáo dục và phương pháp dạy học, giảng dạy và đào tạo giáo viên, giáo dục trong thế kỷ 21.
Các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giáo dục cho nhóm đối tượng khác nhau như nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng có nguy cơ và thiệt thòi hay vấn đề giới tính, giáo dục đặc biệt.
Hội nghị là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ những quan điểm lý luận và kinh nghiệm thực tiễn và những kết quả nghiên cứu về đổi mới giáo dục để nâng cao việc hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo; đồng thời nâng cao tính bình đẳng trong giáo dục thông qua việc góp phần hoàn chỉnh chính sách đổi mới hệ thống giáo dục./.