Hội nghị Ngoại giao: Phiên họp toàn thể về đối ngoại đa phương

Các đại biểu cho rằng đối ngoại đa phương Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng tầm cả ở cấp khu vực, liên khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xem triển lãm ảnh của ngành ngoại giao. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 16/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã họp phiên toàn thể về đối ngoại đa phương với chủ đề “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng."

Phiên họp do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì, với sự tham dự của các lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao.

Phiên họp đã quán triệt và thống nhất nhận thức về Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, đồng thời nhất trí về ý nghĩa quan trọng của việc ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW vào thời điểm này.

Chỉ thị sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học- công nghệ, văn hóa...

[Đẩy mạnh ba trụ cột quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam]

Các đại biểu cho rằng đối ngoại đa phương Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng tầm cả ở cấp khu vực, liên khu vực và quốc tế.

Các đại biểu thống nhất cho rằng để phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của đất nước, cần sớm có Chiến lược tổng thể và các kế hoạch hành động cụ thể, cũng như nguồn lực và đội ngũ cán bộ phù hợp để triển khai Chỉ thị, trong đó có một số nhiệm vụ ưu tiên thời gian tới như làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và tại các khuôn khổ hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục