Sáng 15/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề: Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng dự Phiên toàn thể có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.
Đa dạng hóa xúc tiến thương mại
Giai đoạn 2016-2018, ngành ngoại giao đã làm tốt việc bồi đắp khuôn khổ quan hệ chính trị mật thiết với các đối tác chủ chốt để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư song phương, đặc biệt chú trọng thúc đẩy các dự án hải đăng. Chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến mới mẻ và đa dạng như Tuần, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp triển khai các hoạt động xúc tiến bên lề các hoạt động đối ngoại, sản xuất nhiều ấn phẩm quảng bá cơ hội thương mại, đầu tư. Khai thác ưu thế và phạm vi bao phủ của mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai hàng trăm hoạt động xúc tiến, quảng bá đa dạng về quy mô, hình thức, chủ đề và đối tượng tiếp cận. Ngành ngoại giao cũng đã bước đầu đổi mới cách làm, tập trung xúc tiến có lựa chọn một số mặt hàng, đặc biệt là hàng nông sản.
[Photo] Hình ảnh Thủ tướng dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30
Tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến thị trường - yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng sản xuất hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị ngành ngoại giao, các đại sứ, trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chức năng của Bộ, thường xuyên trao đổi thông tin, qua đó nâng cao hiệu quả việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Cho rằng những thành tựu hợp tác kinh tế, đầu tư sẽ tăng cường kết nối giữa các Chính phủ, ông Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực, quan trọng của các cơ quan đại diện ngoại giaoViệt Nam tại nước ngoài. Lãnh đạo Viettel cũng đề nghị ngành ngoại giao tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm, làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối, kết nối doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài.
Ngoại giao kiến tạo
Vui mừng đến dự Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 – Hội nghị ngoại giao có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào những nhà ngoại giao, “những người nỗ lực dệt nên sợi dây kết nối hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè năm châu,” tạo nên vị thế Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, Thủ tướng nhìn nhận, thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại.
Chúng ta đã kết hợp tốt những vấn đề bên trong và bên ngoài, đối nội và đối ngoại để phát triển đất nước. Những nguồn lực từ bên ngoài cùng với bên trong đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao liên tục, Thủ tướng nói.
Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và toàn bộ nhóm G7, 13/20 nước G20. Đây là những đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng 5 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G7 đã chiếm trên 27% tổng vốn đầu tư FDI, chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại 2017 và đang có mức tăng trưởng bình quân 10-12%/năm.
Chúng ta đã tạo dựng được sự đan xen lợi ích song phương giữa Việt Nam và các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; tranh thủ được các nguồn lực quốc tế to lớn cho phát triển.
Thủ tướng đánh giá cao việc nhiều đại sứ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động xúc tiến tại các địa bàn theo các phương thức đa dạng, hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp và địa phương đang trở thành trung tâm trong các nỗ lực xúc tiến quảng bá kinh tế đối ngoại của ngành ngoại giao, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại của ngành ngoại giao như còn chậm trễ trong xu thế lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm cơ sở xử lý các vấn đề đối ngoại. Vị thế địa chiến lược của Việt Nam chưa được khai thác tối đa. Việc thực hiện thỏa thuận, cam kết với các đối tác chưa hiệu quả, thậm chí bế tắc trong thực thi. Công tác nghiên cứu và dự báo đôi lúc còn bị động, chưa lường hết được một số biến động của khu vực và điều chỉnh chính sách của một số nước, chưa có nhiều đề xuất, sáng kiến mang tính chất đột phá đổi mới cho đất nước. Công tác phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại đôi khi còn rời rạc, chưa thực sự chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nỗ lực đổi mới ngoại giao kiến tạo phục vụ địa phương, người dân, doanh nghiệp mới là bước đầu, chưa tạo dựng được nền tảng vững chắc, lâu dài.
Phát huy vị thế chiến lược của Việt Nam
Phân tích tình hình khu vực và thế giới, Thủ tướng cho rằng, thế giới chuyển động nhanh và thách thức phát triển của Việt Nam. Nhấn mạnh đến yêu cầu hàng đầu của công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ cho một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến-Ứng vạn biến.” Thủ tướng cho rằng những nhà ngoại giao tài năng nhất chính là những người biết truyền cảm hứng sâu sắc, những người kể chuyện xuất sắc nhất cho bạn bè quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam.
[Tiếp tục đổi mới tư duy về đối ngoại và phát triển đất nước]
Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao ưu tiên nhiệm vụ phát huy vị thế chiến lược của Việt Nam, tạo lập và củng cố vị thế này. Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và điều quan trọng là tạo ra các cơ hội gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển.
Công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy nội lực, cho những cân đối vững chắc của nguồn lực quốc gia.
Hoan nghênh chủ đề của hội nghị đã xác định phương châm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, chủ động trong đối ngoại, Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà cần hướng tới tính làm tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các bộ ngành.
“Sáng tạo trong đối ngoại chính là kiên định mục tiêu, nhưng linh hoạt trong sách lược, nhất là trong thế giới đang biến động rất nhanh chóng,” Thủ tướng nói và đề nghị ngành ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy, để cung cấp những quan điểm, cách tiếp cận, giải pháp mới, không sa vào lối mòn.
Công tác đối ngoại cần phát huy tinh thần hành động, phục vụ cho phát triển. Phải chuyển hóa mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị đối ngoại tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia, đối tác trở thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế phục vụ phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.
Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực với hợp tác kinh tế là trọng tâm.
“Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Đây là một quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới cần quán triệt,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá phát triển thương mại, thu hút ODA, du lịch, kiều hối, phát triển thị trường lao động để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số công nghệ cao, thông minh.
Thủ tướng đề nghị các đại sứ cần mở hướng mới, vận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp vận động kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ xây dựng đất nước một cách thiết thực nhất, đặc biệt là phân phối hàng hóa của Việt Nam.
Thủ tướng gợi ý Bộ Ngoại giao cần xây dựng tiêu chí về sự hài lòng của doanh nghiệp để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại. Năm 2017 có 4 ngàn phóng viên nước ngoài vào đưa tin, viết bài về Việt Nam. Đây là kênh quan trọng để quảng bá tiềm năng, đất nước con người Việt Nam ra thế giới. Bộ Ngoại giao cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tạo sức mạnh tổng lực phục vụ phát triển đất nước.
Để triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ kiến tạo, Thủ tướng lưu ý ngành ngoại giao cần chú trọng nhiều yếu tố; trong đó hàng đầu là yếu tố con người với phương thức, cách làm, áp dụng công nghệ tốt, kỹ năng hiện đại, ngoại giao công chúng, phục vụ hiệu quả doanh nghiệp và làm tốt công tác thông tin, tham mưu dự báo, lưu trữ, phân tích.
Khẳng định ngoại giao kinh tế vẫn là chính, Thủ tướng đề nghị quan điểm này cần thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả làm việc các tổng lãnh sự, đại sứ quán. Bên cạnh đó là làm tốt việc thu thập thông tin, chính xác, kịp thời, liên tục. Tham mưu cho Chính phủ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong kinh tế đối ngoại, trong phát triển.
“Hoạt động của sứ quán không chỉ phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phục vụ các địa phương, các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước để phát triển kinh tế bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm,” Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị ngành ngoại giao cần làm tốt nhiệm vụ ngoại giao chính trị một cách nhuần nhuyễn, từ đó làm tốt ngoại giao kinh tế./.