Hội nghị ngoại trưởng G7 sẽ tập trung vào an ninh châu Âu

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng vấn đề an ninh châu Âu và an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đan xen với nhau, do đó không thể thảo luận riêng rẽ.
Hội nghị ngoại trưởng G7 sẽ tập trung vào an ninh châu Âu ảnh 1(Nguồn: Japan Center for International Exchange)

Chương trình nghị sự của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dự kiến diễn ra tại thành phố Karuizawa của Nhật Bản trong các ngày 16-17-18/4, sẽ tập trung vào vấn đề an ninh châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu với báo giới, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng vấn đề an ninh châu Âu và an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đan xen với nhau, do đó không thể thảo luận riêng rẽ.

Trong khi đó, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Temple Nhật Bản - ông James D. J. Brown, nhận định hội nghị là cơ hội để Tokyo kêu gọi các quốc gia khác thuộc G7 tập trung vào an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời coi cuộc xung đột ở Ukraine là vấn đề toàn cầu chứ không phải vấn đề của riêng châu Âu. Ông dự đoán, tại hội nghị, các nước G7 có thể sẽ tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine.

Hội nghị Ngoại trưởng G7, có sự tham dự của người đứng đầu ngành ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italy và mộ quan chức Liên minh châu Âu (EU), được xem là sự kiện mở màn cho Hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chủ trì, dự kiến diễn ra ở thành phố Hiroshima từ ngày 19-21/5.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 49 của G7 được coi là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Nhật Bản trong năm nay.

[Nhật Bản mời Việt Nam dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng]

Ngày 11/3, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tìm giải pháp tốt nhất để giúp các nước đang phát triển ra mắt các loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ), ông Kanda nhấn mạnh: “Là một ưu tiên của năm nay, G7 sẽ xem xét cách tốt nhất để giúp các nước đang phát triển ra mắt CBDC phù hợp với các tiêu chuẩn, trong đó có nguyên tắc chính sách công của G7 đối với CBDC bán lẻ.”

Ông cho biết đây sẽ là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại G7 năm nay do Nhật Bản chủ trì, nhằm giải quyết những thách thức mà cộng đồng toàn cầu phải đối mặt từ công nghệ kỹ thuật số.

Quan chức này đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các rủi ro từ sự phát triển CBDC bằng cách đảm bảo các yếu tố như tính minh bạch và quản trị tốt.

Ngoài các nước G7, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát hành CBDC. Các ngân hàng trung ương G7 đã đặt ra các tiêu chuẩn chung đối với việc phát hành CBDC, trong khi một số nước đang áp dụng thử nghiệm.

Bên cạnh những tiện lợi, ông Kanda cũng cảnh báo những thách thức mà công nghệ kỹ thuật số mang đến như nguy cơ an ninh mạng, lan truyền thông tin sai lệch, chia rẽ xã hội và chính trị cũng như nguy cơ gây bất ổn cho thị trường tài chính.

Đáng chú ý, sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vào năm ngoái cho thấy các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra các quy định xuyên biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.