Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhiều khả năng chưa xem xét lại mức áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga trong tuần này.
Thông tin trên do các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) và G7 tiết lộ ngày 20/3.
Theo hãng tin Reuters, G7 dự kiến sẽ đánh giá lại vào giữa tháng 3 mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, theo những nguồn tin trên, cuối tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo với các đại sứ rằng G7 chưa muốn cân nhắc lại vấn đề này.
Một quan chức G7 giấu tên cho biết các thành viên luôn muốn bảo lưu quyền ủng hộ những điều chỉnh trong tương lai đối với các mức giá trần dầu mỏ để đáp ứng được những mục tiêu kép của nhóm, nếu các điều kiện thị trường và kinh tế được đảm bảo.
[G7 sẽ xem xét việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga trong tháng 3]
Trong khi đó, một số nước EU đang tìm cách để G7 giảm tiếp mức giá trần với dầu mỏ của Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Moskva.
Tháng 12/2022, EU và G7 nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển nhằm một mặt siết chặt doanh thu của Moskva từ "vàng đen," một mặt vẫn duy trì dòng chảy nhằm tránh cú sốc nguồn cung toàn cầu.
G7 cũng cấm các công ty cung cấp dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm và tài chính đối với dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ của Nga nếu chúng được bán với giá cao hơn giá trần.
Trong khi đó, EU đã tạm dừng nhập khẩu dầu thô của nước này qua đường biển từ ngày 5/12/2022. Mỹ và Anh cũng đã áp đặt nhiều hạn chế đối với việc nhập khẩu dầu mỏ của Moskva.
Vào tháng 2 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga đã giảm gần 40% trong tháng đầu tiên năm nay do các biện pháp áp giá trần và các lệnh trừng phạt của phương Tây./.